Chiến lược dữ liệu quốc gia hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp vươn ra quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tận dụng nguồn lực trí tuệ kiều bào đóng vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đặc biệt là việc đưa startup Việt vươn ra quốc tế.

Trong kỷ nguyên số, dữ liệu được coi là tài nguyên quý giá, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhận thức được điều này, Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của nguồn tài nguyên này.

Hội thảo "Chiến lược Dữ liệu Quốc gia - Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" diễn ra ngày 23/12, tại Hà Nội, đã tập trung thảo luận về việc ứng dụng dữ liệu để kết nối các trí thức, chuyên gia kiều bào với doanh nghiệp trong nước nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Xây dựng mạng lưới dữ liệu chuyên gia toàn diện

Hội thảo tập trung thảo luận về việc kết nối hiệu quả Chương Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (GMPV) với Chiến lược Dữ liệu Quốc gia. Chương trình có mô hình cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài (Mentor) và doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước (Mentee), được kỳ vọng sẽ là cầu nối đưa tư duy và tầm nhìn quốc tế đến gần hơn với startup Việt.

Điểm sáng của chương trình nằm ở sự tham gia của đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau và hoạt động trong đa dạng lĩnh vực. Theo báo cáo từ ban tổ chức, từ năm 2021 đến năm 2023, chương trình đã kết nối 20 startup tiềm năng với 17 cố vấn, qua đó đã tạo nên những thành công bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” còn tồn tại.

Bà Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Phát triển, Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, chỉ ra hệ thống chuyên gia quốc tế và trong nước có rất nhiều, nhưng đang ở trạng thái lẻ tẻ và rời rạc. Và, việc huy động được nguồn lực này một cách hiệu quả là bài toán đặt ra cho chúng ta.

Theo đó, bà Nga đề xuất giải pháp tận dụng cơ sở dữ liệu toàn dân, kết hợp với hệ thống định danh cá nhân để xây dựng một mạng lưới dữ liệu chuyên gia toàn diện.

Bà Nga cho rằng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia cũng có thể đóng vai trò then chốt trong việc kết nối, quản lý và tận dụng hiệu quả nguồn lực trí tuệ kiều bào. (Ảnh: Vietnam+)

“Đây là cơ hội để chương trình đồng hành cùng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia của Bộ Công An tham gia vào quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và hệ thống định danh cá nhân cho người nước ngoài. Từ đó, chúng ta có thể kết nối, phân loại và đánh giá chuyên gia một cách hiệu quả hơn,” bà Nga nói.

Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia cũng có thể đóng vai trò then chốt trong việc kết nối, quản lý và tận dụng hiệu quả nguồn lực trí tuệ kiều bào. Cụ thể là việc xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về chuyên gia, bao gồm thông tin về chuyên môn, kinh nghiệm, lĩnh vực hoạt động, địa chỉ liên hệ…, điều này sẽ giúp kết nối chính xác và nhanh chóng. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm chuyên gia phù hợp với nhu cầu đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể kết nối chuyên gia với các chương trình, dự án phát triển.

Nhấn mạnh dữ liệu sẽ giúp đánh giá năng lực, kinh nghiệm của chuyên gia một cách khách quan, minh bạch, bà Nga nhấn mạnh qua đó giúp cho việc phân bổ nguồn lực phù hợp. Cụ thể, dữ liệu thông tin về chuyên gia có thể kết hợp với dữ liệu về nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút và trọng dụng nhân tài kiều bào. Thêm vào đó, bà Nga cho rằng hệ thống dữ liệu còn có thể giúp Chương trình mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu hoạt động hiệu quả hơn, kết nối cố vấn và doanh nhân khởi nghiệp phù hợp đồng thời có thể theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động và điều chỉnh chương trình cho phù hợp sau đó.

“Dữ liệu không chỉ là con số mà là tài nguyên quý giá. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu hiệu quả sẽ giúp chúng ta tận dụng tối đa nguồn lực trí tuệ kiều bào, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước,” bà Nga nói.

Gỡ rối chính sách, kết nối nguồn lực

Một trọng tâm khác của hội thảo là việc “gỡ rối” các chính sách, cơ chế để thu hút nguồn lực trí tuệ và vốn đầu tư cho khởi nghiệp. Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nêu lên bài toán thực tế của doanh nghiệp. Ông cho biết trường đang đầu tư mạnh vào AI và chip bán dẫn, do đó cần các chuyên gia Việt Nam (là Việt kiều) trong lĩnh vực này, nhưng việc tìm kiếm và liên hệ với họ không hề dễ dàng.

Vì vậy, ông Tiến đề xuất Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò cầu nối, kết nối doanh nghiệp trong nước với chuyên gia kiều bào. Cụ thể, mỗi chuyến đi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên có sự tham gia của các chuyên gia kiều bào trong lĩnh vực liên quan. Đây là cơ hội để kết nối, chia sẻ và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

“Khi nói đến trách nhiệm với đất nước, kiều bào không còn quan tâm đến đãi ngộ và rất muốn đóng góp trí tuệ của mình cho quê hương,” ông Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng và sứ mệnh của trí thức kiều bào.

Ông Tiến đề xuất Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò cầu nối, kết nối doanh nghiệp trong nước với chuyên gia kiều bào. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, bài toán huy động vốn cho khởi nghiệp cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Ông Phạm Duy, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia, cho biết giai đoạn đầu tư sớm (pre-seed) ở Việt Nam đang là khoảng trống. Các startup rất khó khăn trong việc gọi vốn ở giai đoạn này. Theo đó, ông đề xuất xây dựng mạng lưới nhà đầu tư thiên thần và tập trung vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại đây, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ về những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (như Luật Thủ đô, Nghị quyết 98 của Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết 136 của Đà Nẵng,…). Đồng thời, ông Quất cũng nhấn mạnh vai trò của các sáng kiến cụ thể từ các vườn ươm, trường đại học và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể hướng tới việc hoàn thiện chính sách, cơ chế và kết nối nguồn lực hiệu quả hơn. Sự kết hợp giữa Chiến lược Dữ liệu Quốc gia và Chương trình mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới, đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Theo các chuyên gia, Chiến lược Dữ liệu Quốc gia không chỉ là nền tảng kỹ thuật mà còn là công cụ chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, quản lý và phát huy sức mạnh của nguồn lực trí tuệ kiều bào, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam./.