Chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh thờ hiếm có của đồng bào dân tộc thiểu số

Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ 'mở kho' lưu trữ cá nhân với mong muốn giới thiệu một phần văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua các hiện vật ông đã dày công sưu tập trong 25 năm.

Công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật đồ đá thời Tiền sử, tranh thờ cùng nhiều mộc bản. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 9/12, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức cuộc trưng bày nghệ thuật quy mô lớn mang tên “Riêng một con đường,” giới thiệu nhiều hiện vật quý hiếm lần đầu tiên được chia sẻ rộng rãi tới công chúng do nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ dày công nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản.

Công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật đồ đá thời Tiền sử, những cuộn tranh thờ dài hàng chục mét của đồng bào dân tộc thiểu số, các mộc bản in tranh dân gian cùng nhiều hiện vật mang tính tôn giáo khác.

Cụ thể, trong nhóm đồ gốm, các hiện vật gốm Hoa Lộc, Đồng Đậu, Gò Mun, Phùng Nguyên. Nhóm đồ đá có các hiện vật từ thời kỳ Đồ đá mới cho đến thời kỳ Đồ đồng và Đồ sắt (Đông Sơn), gồm các loại công cụ lao động cho đến các loại trang sức và các vật đeo trên cổ như những biểu tượng tín ngưỡng nguyên thủy.

Ngoài ra, trưng bày cũng giới thiệu khoảng 70 tranh thờ của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu và người Kinh.

Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ giới thiệu về bộ sưu tập cổ vật của mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phan Cẩm Thượng cho rằng cuộc trưng bày này đã giới thiệu cho khán giả một phần văn hóa truyền thống dân tộc, mà có thể đã tản mát, thất lạc, tưởng chừng không bao giờ trông thấy nữa.

“Về mặt giả trị tinh thần, những hiện vật này luôn thuộc về người xem và nền văn hóa truyền thống mà cha ông để lại cho đến ngày nay, khi chúng luôn dễ dàng thất thoát trong đời sống hiện đại và trong thương mại cổ vật đang phát triển,” nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Chia sẻ về trưng bày của mình, nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ cho rằng ông mong muốn giới thiệu một phần văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua các hiện vật ông đã dày công sưu tập trong 25 năm.

Việc công bố các hiện vật này đòi hỏi sự đánh giá nghiêm túc của các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ học, bởi bản thân người sưu tập kiến thức có hạn, ngoài lòng say mê và nhận định theo kinh nghiệm riêng của mình. Ông mong giới nghiên cứu, sưu tập sẽ chiêm ngưỡng và chỉ giáo về niên đại, ý nghĩa nội dung của các hiện vật.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sỹ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á đánh giá cao ý tưởng tổ chức trưng bày này bởi đây là cơ hội hiếm có để công chúng và cả giới nghiên cứu có cơ hội tiếp cận nhiều hiện vật quý.

"Qua những cuộn tranh thờ dài của đồng bào dân tộc hay bộ mộc bản dùng để in tranh, chúng ta có thể hiểu hơn về đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa vùng miền và tộc người," Tiến sỹ Nguyễn Việt khẳng định.

Trưng bày mở cửa đến ngày 14/12 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hà Nội./.

Lệnh bài bằng ngà có chữ "Lôi hiệu lệnh" dùng cho nghi lễ thờ cúng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Một trích đoạn tranh thờ của đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Mộc bản in tranh có hình các vị thần Đạo giáo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trích đoạn tranh thờ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Những cuộn tranh thờ dài được dùng trong thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các hiện vật gốm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tượng đôi trai gái, văn hóa Đông Sơn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đây là cơ hội hiếm có để công chúng và giới nghiên cứu chiêm ngưỡng các cổ vật trong bộ sưu tập tư nhân. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trống gốm có minh văn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Bộ trang sức đá Phùng Nguyên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)