Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế truyền thông

Theo Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang, TTXVN đã tập trung đổi mới tư duy về cách thức tổ chức thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền.

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN, tham luận với chủ đề 'Giữ vững định hướng tư tưởng trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế truyền thông.' (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Kinh tế truyền thông: Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm."

Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; đông đảo các chuyên gia, nhà báo đang giảng dạy và làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền thông.

Phát biểu đề dẫn Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thực tiễn tiếp tục quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn của kinh tế truyền thông, trên cơ sở đó thảo luận, đề xuất các giải pháp đúng đắn, sáng tạo nhằm phát triển kinh tế truyền thông trong bối cảnh hiện nay.

Với sự phát triển của xã hội, thông tin - sản phẩm chủ yếu của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông còn được coi là một thứ hàng hóa đặc biệt, có đầy đủ thuộc tính của một loại hàng hóa. Nghĩa là thông tin được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và có thể trao đổi, mua bán và nó trở thành một trong những "nhu yếu phẩm" không thể thiếu trong xã hội hiện đại.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng phát triển kinh tế truyền thông là cơ hội giúp cho các cơ quan truyền thông có thêm nguồn thu, từ đó tăng thu nhập cho người làm truyền thông; giúp đơn vị có điều kiện đầu tư mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất, tác nghiệp; mở mang thêm nguồn thông tin, tư liệu, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm truyền thông.

[Vai trò xung kích của các chiến sỹ thông tin trên mặt trận chống dịch]

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho rằng báo chí truyền thông vừa là công cụ tuyên truyền, là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân vừa thực hiện chức năng kinh tế trong phát triển báo chí truyền thông nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung. Báo chí Việt Nam đã ghi nhận sự song hành của hai nhiệm vụ này.

Vì vậy, các cơ quan báo chí rất cần có sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn thu báo chí bị suy giảm nghiêm trọng, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ là nguồn động viên to lớn, đặc biệt đối với lực lượng phóng viên luôn có mặt ở tuyến đầu, thôi thúc những người làm báo cống hiến để có những tác phẩm báo chí có giá trị phục vụ công chúng.

Đối với Thông tấn xã Việt Nam, giữ vững định hướng tư tưởng và phát triển kinh tế truyền thông là hai nhiệm vụ song hành. Để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, vừa giữ vững định hướng chính trị, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã tập trung đổi mới tư duy về cách thức tổ chức thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, vừa phản ánh sinh động các sự kiện trọng đại của đất nước cũng như các vấn đề của đời sống xã hội.

Thông tin chuẩn xác, tin cậy được các cơ quan báo chí trong và ngoài nước khai thác, sử dụng; được công chúng tin tưởng trích nguồn mỗi khi có những thông tin đa chiều trong xã hội. Đó chính là giá trị cốt lõi của thông tin thông tấn.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết kinh tế truyền thông đang là nỗi trăn trở của báo chí trong và ngoài nước, trong khi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động này ngày càng giảm, chủ yếu chỉ đáp ứng mức lương cơ bản. Để tìm được nhân tài hoạt động trong lĩnh vực báo chí, người đứng đầu cơ quan phải tìm cách có nguồn thu cho anh em yên tâm công hiến.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tuy nhiên ông Lê Quốc Minh cho biết hiện nay, những cơ quan báo chí chính thống trên thế giới đều thu phí, nhưng đây là mô hình không dễ làm, nếu quá chú trọng vào kinh phí, sẽ lãng quên các việc khác quan trọng hơn.

"Hầu hết các cơ quan báo chí hiện nay đều trông chờ vào quảng cáo, chưa có chiến lược dài hạn về việc thu phí để đối phó với khó khăn," ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Là người làm nghề, quản lý báo chí trong thời gian dài, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho hay việc tham khảo, áp dụng các tiêu chí về thu phí ở nước ngoài rất hay nhưng cũng có hạn chế, nếu không sáng tạo cho phù hợp với độc giả, sẽ thất bại. Đổi mới sáng tạo mới là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, từ đó tạo ra nguồn thu.

Theo các đại biểu, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội và sự thay đổi như vũ bão của công nghệ, với đa dạng các nền tảng số xuyên biên giới vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các cơ quan truyền thông truyền thống, nhất là đối với các nhà xuất bản, tòa soạn báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình, kể cả các tòa soạn báo mạng điện tử vốn được coi là loại hình báo chí mới, hội tụ đa phương tiện.

Điều này cũng đặt ra những vấn đề đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải không ngừng nỗ lực trong xây dựng những mô hình truyền thông mới với các cách thức hoạt động kinh tế truyền thông hiệu quả nhằm duy trì nguồn thu, bắt kịp nhu cầu phát triển của truyền thông thế giới; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước./.

Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)