“Chìa khóa” cho sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum
Với việc triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum ngày càng khởi sắc, đời sống đồng bào ngày càng được nâng cao.
Là địa phương có hơn 55% đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, Kon Tum đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đầu tư, nâng cấp, cải thiện bộ mặt vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, việc triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia được xem như “chìa khóa,” giúp đời sống của đồng bào ngày càng nâng cao.
“Vươn mình” phát triển
Xã Xốp là địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei với đa phần là đồng bào dân tộc Gié-Triêng sinh sống. Thông qua nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, huyện đầu tư các tuyến đường liên làng, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế.
Chính quyền xã còn hỗ trợ người dân đất ở, đất sản xuất; cấp trâu, bò sinh sản và các giống cây dược liệu...
Ông A Brẫy (làng Kon Liêm, xã Xốp) chia sẻ nhờ sự đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước, đường xá đã được bêtông hóa đến từng làng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế. Qua đó, mọi người dần có cuộc sống ổn định, khá giả hơn trước.
Ông cũng được chính quyền địa phương hướng dẫn trồng mỳ (sắn) và càphê, mang lại thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xốp Y Chung cho biết bằng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, xã đã vận động người dân phát triển diện tích cây trồng đạt 758ha; góp phần giảm hộ nghèo tại xã xuống còn 41 hộ (chiếm 7,3%).
Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai các chính sách dân tộc; chú trọng phát triển diện tích dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh. Địa phương hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 22 triệu đồng/người/năm.
Tại xã biên giới Mô Rai (huyện Sa Thầy), đời sống người dân trước đây gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống giao thông chưa được đầu tư bài bản.
Kinh tế của các hộ dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với phương thức lạc hậu, dựa vào nương rẫy là chính.
Nhờ các chính sách, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở vùng biên giới Mô Rai dần được hoàn thiện, điện lưới quốc gia đã được kéo đến từng thôn, làng; hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất được quan tâm xây dựng.
Anh A Thái (Trưởng thôn làng Le, xã Mô Rai) cho biết: Được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện nhờ việc giao thương, buôn bán dễ dàng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn tích cực hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế, góp phần làm tăng thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững.
Để Chương trình Mục tiêu Quốc gia đi sâu vào đời sống
Kon Tum hiện có 50/85 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo là 10.220 hộ, chiếm 6,84%. Để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, Kon Tum đặt mục tiêu phấn đấu giảm hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xuống 4%; có 7 xã và 5 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; duy trì 100% hộ dân tộc thiểu số có đất ở và đất sản xuất.
Già A Kiểu (làng Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ với vai trò của người có uy tín, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chung tay cùng chính quyền địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và hướng tới thoát nghèo bền vững.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum Đinh Quốc Tuấn cho biết: Thời gian tới, các đơn vị sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là nêu cao vai trò của thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc nhằm thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đối với dự án, tiểu dự án, phấn đấu hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra.
Tỉnh đề nghị các sở, ngành và đơn vị liên quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công.
Các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; quyết liệt giải phóng mặt bằng các dự án.
Các sở, ngành, địa phương rà soát từng dự án cụ thể, nhất là dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án.
Các sở, ngành và đơn vị tăng cường đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số; cải thiện điều kiện sinh kế.
Các địa phương tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân, nhất là tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới để đồng bào có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín vận động người dân chung tay hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia đề ra.
Thông qua các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum ngày càng khởi sắc.
Đây là minh chứng rõ nét cho sự đồng lòng, gắn kết giữa các dân tộc, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển, hướng đến một tương lai tươi sáng với nhiều dấn ấn đậm nét hơn cho vùng dân tộc thiểu số và toàn tỉnh./.