Chỉ thu thập thông tin ADN với một số người có tiền án, tiền sự
Theo Luật Căn cước năm 2023, việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
Sáng 16/5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 5/2024 bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến đến nhiều điểm cầu các Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy và cấp cơ sở trên cả nước.
Các đại biểu dự hội nghị được Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) thông tin chuyên đề: "Những nội dung quan trọng của Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV"; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin chuyên đề: "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị."
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật có 7 chương, 46 điều, trong đó có 13 nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước Công dân năm 2014.
Luật có đối tượng áp dụng được mở rộng hơn so với Luật Căn cước Công dân năm 2014.
Ngoài áp dụng với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Luật quy định bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; đặc biệt, bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh việc thu thập, cập nhật các thông tin sinh trắc học vào Cơ sở Dữ liệu Căn cước được quy định trong Luật Căn cước năm 2023 sẽ bảo đảm quyền con người, quyền bảo đảm bí mật cá nhân quy định trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam.
Luật còn bổ sung quy định về tích hợp một số thông tin có tính ổn định, sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh thẻ căn cước là tài sản quan trọng của người dân và không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được phép giữ thẻ căn cước ngoại trừ các cơ quan pháp luật có thẩm quyền.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đã thông tin về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và giới thiệu 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Các dự án luật dựa trên tinh thần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Thông tin về về xây dựng kết cấu hạ tầng theo tinh thần Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.
Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm "đi trước một bước" là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm theo các thông tin chuyên đề của hội nghị.
Bên cạnh đó, ông Phan Xuân Thủy cũng đề nghị tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) và kỷ niệm ngày sinh lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam; Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024); cùng các nội dung quan trọng khác./.