Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 3
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 3/2023 đã tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với mức tăng 1% ghi nhận trong tháng trước đó.
Ngày 11/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 3 vừa qua.
CPI của Trung Quốc trong tháng vừa qua đã tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với mức tăng 1% ghi nhận trong tháng trước đó.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) - thước đo giá hàng hóa xuất xưởng - của Trung Quốc trong tháng trước đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với mức giảm 1,4% ghi nhận tháng trước đó.
Trước đó, phát biểu tại cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu bên lề Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh ngày 27/3, Thủ tướng Lý Cường cho rằng trong tương lai, bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc thay đổi về chất lượng, hiệu quả, động lực, cũng như nỗ lực đạt được phát triển chất lượng cao hơn và giúp cải thiện cuộc sống của người dân.
Ông nhấn mạnh dù tình hình quốc tế thay đổi như thế nào, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường mở cửa thị trường. Trung Quốc sẽ kết nối với các quy định tài chính quốc tế tiêu chuẩn cao, cố gắng thiết lập môi trường kinh doanh hàng đầu, với các tiêu chí quốc tế hóa, hợp pháp hóa và định hướng thị trường.
Sau những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, ngày 10/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 2% từ mức 1,7% đưa ra 3 tháng trước đó.
[Nền kinh tế Trung Quốc dần phục hồi sau khi mở cửa trở lại]
Chủ tịch WB David Malpass cho biết con số dự báo trên được điều chỉnh theo hướng tăng là do triển vọng kinh tế toàn cầu đã cải thiện sau khi Trung Quốc điều chỉnh cách ứng phó với đại dịch COVID-19.
Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự kiến đạt 5,1% trong năm nay, so với ước tính trước đó là 4,3%.
Chủ tịch Malpass cũng cho rằng các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm cả Mỹ, đang vận hành tốt hơn so với đánh giá trước đó của WB.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng và giá dầu tăng cao vẫn có thể gây áp lực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.