Chỉ số giá tiêu dùng của thành phố Hà Nội tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm
Theo Cục Thống kê Hà Nội, bình quân 2 tháng đầu năm, CPI của Hà Nội tăng 5% so với bình quân cùng kỳ năm trước; trong đó 8/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2024 của thành phố tăng 1,01% so với tháng trước, tăng 1,33% so với tháng 12/2023 và tăng 5,28% so với tháng 2/2023. CPI bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 5% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 2, có 10/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước gồm: giao thông; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị, đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay trùng vào tháng Hai nên nhu cầu ăn, uống, lương thực, thực phẩm tăng cao khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,77%. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng do sau Tết đang là mùa lễ hội đầu Năm mới.
Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI của Hà Nội tăng 5% so với bình quân cùng kỳ năm trước; trong đó 8/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng gồm: giáo dục tăng 38,33%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,24%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,92%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,43%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,66%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%; giao thông tăng 1,54%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,38%.
Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 2 tháng đầu năm giảm so với bình quân cùng kỳ là: văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,38%; bưu chính viễn thông giảm 1,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,21%.
Chỉ số giá vàng bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 18,24% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đôla Mỹ bình quân 2 tháng tăng 3,74% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết do dự báo dịp Tết Nguyên đán 2024 nhu cầu mua sắm của người dân tăng nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã có kế hoạch sản xuất, khai thác hàng hóa từ 3 tháng trước Tết. Vì vậy, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng, giá bán ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Để thúc đẩy hoạt động bán hàng trong dịp Tết, các doanh nghiệp bán lẻ đều đa dạng hóa phương thức bán hàng (bán hàng trực tiếp, qua các kênh bán hàng thương mại điện tử thông qua website, nền tảng mạng xã hội) và liên kết với các đơn vị giao hàng để thu hút người mua sắm.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tăng trung bình 7% so với Tết Quý Mão 2023; trong đó doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 7-10% tổng doanh thu bán hàng. Số lượng đơn đặt hàng online tăng trung bình 15% (tại các hệ thống phân phối lớn mức tăng khoảng 40-50%) so với các tháng thường. Tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt chiếm từ 50-60% tại các hệ thống phân phối lớn và chiếm khoảng 30-40% tại các cửa hàng tiện lợi nhỏ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, sau Tết Nguyên đán, các đơn vị vẫn đảm bảo lượng hàng hóa trong kho hợp lý sẵn sàng phục vụ người dân. Hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa sớm với nhiều chương trình khuyến mãi, lì xì đầu Xuân cho khách hàng. Hàng hóa tại các điểm bán vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết đáp ứng nhu cầu mua sắm sau Tết của người dân.
Đối với các chợ trên địa bàn, trong tháng Hai, vào các ngày sát Tết, lượng hàng thực phẩm tươi sống về chợ tăng 20% và lượng khách đến mua sắm tăng trung bình 30-35% so với ngày thường. Giá cả hàng hóa tại chợ ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Tại các chợ truyền thống, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến, được các hộ kinh doanh và người tiêu dùng lựa chọn.
Trong thời điểm tháng Hai, số lượng đơn hàng của các sàn thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 15 - 20% đối với các mặt hàng giỏ quà Tết, đồ uống và tăng 50% đối với mặt hàng trang trí nhà cửa, thực phẩm.
Tính chung tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã cung ứng cho thị trường trong tháng Hai đạt khoảng 37.500 tỷ đồng./.