Chỉ số chứng khoán châu Á xuống mức thấp nhất trong 2 năm

Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI bên ngoài Nhật Bản giảm 0,8% xuống mức thấp nhất trong 2 năm, trong khi chỉ số Nikkei tại Nhật Bản cũng giảm 1,75% sau 3 ngày tăng điểm liên tiếp.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm chủ yếu do các nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, các đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc và tình trạng thiếu năng lượng tại châu Âu.

Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI bên ngoài Nhật Bản giảm 0,8% xuống mức thấp nhất trong 2 năm, trong khi chỉ số Nikkei tại Nhật Bản cũng giảm 1,75% sau 3 ngày tăng điểm liên tiếp nhờ tâm lý tích cực sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện.

Giá trị đồng euro cũng giảm xuống mức tương đương 1,0006 USD, đánh dấu đồng tiền này tiến gần ngang bằng giá trị với đồng USD lần đầu tiên xảy ra từ tháng 12/2002 trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy kinh tế khu vực vào tình trạng suy thoái.

[Mùa công bố lợi nhuận có thể nhấn chìm chứng khoán toàn cầu]

Yuting Shao, chuyên gia chiến lược vĩ mô tại State Street Global Markets cho rằng tâm lý bán tháo do các nhà đầu tư lo ngại rủi ro đang bao phủ thị trường toàn cầu. Đồng USD luôn được lựa chọn là đồng tiền dự trữ quốc tế. Do đó, khi nguy cơ suy thoái xuất hiện hoặc yếu tố bất ổn gia tăng, "đồng bạc xanh" sẽ trở thành đồng tiền được ưu chuộng vì an toàn nhất.

Chỉ số giá trị đồng USD, so với các 5 đồng tiền còn lại khác trong rổ tiền tệ, tăng lên mức 108,47, cao nhất từ tháng 10/2002.

Trọng tâm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ là dữ liệu kinh tố vĩ mô trong đó có chỉ số CPI tháng 6 của Mỹ sẽ công bố ngày 13/7 và những bình luận từ các quan chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vốn được coi như những tín hiệu về kết quả của cuộc họp chính sách sắp tới của ngân hàng này. Việc chỉ số CPI tiếp tục tăng sẽ làm gia tăng áp lực buộc Fed phải đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất vốn đã ở mức đáng kể hiện nay.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo lắng về tình hình dịch COVID-19 tại các thành phố của Trung Quốc, trong đó có trung tâm thương mại Thượng Hải đang tái áp dụng các biện pháp hạn chế để kiểm soát đợt bùng phát mới sau khi ghi nhận sự xuất hiện của dòng phụ dễ lây lan của biến thể Omicron.

Cùng với đó, ngày càng nhiều lo ngại rằng chi phí năng lượng tăng mạnh ở châu Âu khi đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức bước vào giai đoạn bảo trì thường niên, dự kiến hoạt động dẫn khí sẽ gián đoạn trong 10 ngày.

Các nhà đầu tư lo ngại tình trạng gián đoạn này sẽ kéo dài hơn dự tính do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, tiếp tục gây áp lực về nguồn cung khí đốt cho EU và tăng nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế khu vực.

Tương tự, cả 3 chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Mỹ đều giảm điểm khi khép lại ngày giao dịch 11/7 do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng. Thêm vào đó, mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý 2/2022 của Mỹ bắt đầu khởi động với những dự báo tiêu cực cũng tạo sức ép cho thị trường./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)