“Chị dâu”: Làm sao để nàng dâu hóa giải thành công “bà cô bên chồng”?
Phim thuộc thể loại chữa lành, nhưng được khen vì không "chữa lành bất chấp" mà vẫn có câu chuyện hấp dẫn, bước gỡ bỏ nút thắt một cách thực tế, hợp tâm lý thích "chín bỏ làm mười" của người Việt.
Dân gian thường nói “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” để mô tả thái độ ghê gớm, xét nét của chị chồng/em gái chồng dành cho nàng dâu. Mượn bối cảnh đám giỗ để tề tựu đông đủ cả gia đình, phim “Chị dâu” của đạo diễn Khương Ngọc không chỉ khắc họa sự phức tạp trong mối quan hệ này, phơi bày nhiều tính cách tốt-xấu ở mỗi người, mà còn đẩy cao xung đột để thấy tận cùng bản chất vấn đề.
Cũng thuộc chủ đề phim gia đình quen thuộc nhưng phim “ăn điểm” nhưng nhờ cách kể chuyện logic, được giới phê bình khen ngợi và đạt được hiệu ứng truyền miệng ở khán giả, thu về 90 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng (tính đến sáng 4/1/2025, theo Box Office Vietnam).
Khi phụ nữ chọn thương lấy nhau
Phim có 5 nhân vật trung tâm là Hai Nhị - chị dâu cả (Việt Hương), các em chồng Ba Kỳ (Hồng Đào), Tư Ánh (Đinh Y Nhung), Năm Thu (Lê Khánh) và Út Như (Ngọc Trinh), tề tựu để dự đám giỗ mẹ.
Thấy đám giỗ tổ chức linh đình bất ngờ, mời rầm rộ họ hàng, bà con lối xóm đến dự, 4 chị em tỏ ý không bằng lòng. Sự vồ vập của người quê trong lối hành xử, những câu hỏi tọc mạch về thu nhập, vấn đề con cái và đời sống cá nhân càng khiến 4 chị em thấy khó chịu.
Khi Hai Nhị tuyên bố sửa nhà từ đường vì đã quá mục nát, xuống cấp, Ba Kỳ phản đối vì không được báo trước. Càng lúc, những xích mích càng được mở rộng, kéo theo sự tham gia của 3 người còn lại với nhiều chuyện bằng mặt nhưng không bằng lòng từ trước đó. Bi kịch kéo đến chia rẽ 5 người.
Song càng đi sâu vào các cuộc tranh cãi thì những tổn thương và mặc cảm ở mỗi nhân vật càng lộ ra. Chính những vết thương ấy đã góp phần lý giải bản chất hằn học, khó ưa nhưng cũng không kém phần đáng thương ở mỗi người.
Cả 4 cô em chồng đều không hạnh phúc trong hôn nhân và đời sống tình cảm nói chung. Ba Kỳ thành công trong sự nghiệp, nhưng luôn cảm thấy bị phản bội khi chồng bỏ đi tìm tình yêu đồng giới. Chị rất thương con gái, nhưng áp đặt và ít lắng nghe khi cô bé muốn có lối đi riêng.
Tư Ánh cũng là người đồng tính, từng bị lừa tình, lừa tiền đến suy sụp, không dám bước ra ngoài đời để lập thân một lần nữa. Năm Thu có chồng vô tâm, bản thân chị mặc cảm vì bị chứng hiếm muộn nên mãi chưa thể có con. Còn Út Như có chồng phá gia chi tử, nợ nần chồng chất, khiến cô thường xuyên phải cầu cứu chị dâu vì không có khả năng tự chi trả.
Hai Nhị là chủ tiệm vàng, có nền tảng kinh tế vững chắc. Chồng mất, chị một tay quán xuyến việc nhà chồng, nuôi Tư Ánh và thường xuyên phải cho tiền Út Như trả nợ, nhưng vẫn thường bị Ba Kỳ coi là người dưng nước lã, Năm Thu không phục.
Tuy nhiên, Hai Nhị chính là người duy nhất quyết tâm sửa nhà từ đường đã mục ruỗng, xuống cấp nặng nề từ lâu, nhằm thực hiện ước nguyện của cha mẹ chồng trước khi mất: Giữ lấy căn nhà để các con, các cháu luôn có nơi trở về. Đây cũng là nỗ lực của chị khi luôn bao dung, cố gắng hóa giải sự dè chừng, đối đầu mà các em dành cho mình, cũng như hàn gắn những rạn vỡ giữa các em và trong chính mỗi người.
Cùng nhau vượt qua cơn bão lớn giáng xuống căn nhà, năm chị em ngồi xuống bên cạnh nhau, để lại phía sau những đổ nát, vỡ vụn.
Ngoài đề tài chị dâu, em chồng, phim còn một tuyến chuyện nhỏ về hóa giải mâu thuẫn thế hệ thông qua nhân vật con gái của Ba Kỳ, đặt kỳ vọng vào thế hệ trẻ trong việc giúp đỡ người lớn yêu thương đúng cách.
Phim Việt dễ chịu, không làm người xem “khựng lại, ngán ngẩm”
Giới chuyên môn nhận định phim ghi điểm nhiều nhất ở hai yếu tố: Kịch bản và dàn diễn viên. Đạo diễn Victor Vũ khen phim xuất sắc về mọi mặt, đặc biệt dành lời khen các diễn viên. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận xét “Chị dâu” vừa giống một phim độc lập của Mỹ nhờ làm tốt môtíp về cuộc tụ họp tình thân, vừa làm tốt một mô thức rất được người Việt ưa chuộng: Yêu nhau lắm, cắn nhau đau hay chín bỏ làm mười.
Anh nhận xét đây là một câu chuyện rất Việt Nam và có nhiều ý tứ sâu xa, duyên, hài mà vẫn để lại được một cái kết có thông điệp và lắng đọng: "Chị dâu" làm được một điều mà nhiều phim Việt không làm được, đó là "kể một câu chuyện đi hết cả ba hồi mà không làm ta khựng lại hoặc lắc đầu ngán ngẩm,” đặc biệt khi có nhiều phim Việt trước đó không giải quyết được vấn đề đã đặt ra, có cách giải quyết “bất chấp cả logic và lý lẽ ở đời.”
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng có những nhận định tương tự, cho rằng đây là một trong những phim tốt nhất của năm 2024, khai thác hiệu quả dạng phim 1 bối cảnh (nhà từ đường) và tình huống đám giỗ đặc trưng trong văn hóa Việt. Anh cũng cho rằng phim không đi theo môtíp chuyện cổ tích, "chữa lành bất chấp" một số lý lẽ thực tế, logic thông thường như trong phim "Lật mặt 7: Một điều ước" (Lý Hải).
“'Chị dâu' là minh chứng cho thấy điện ảnh Việt vẫn thiếu nhất là kịch bản hay, tập trung đúng câu chuyện cần kể. Câu chuyện được xây dựng tốt và đã kéo cả bộ phim đi lên,” anh nhận xét.
Cây bút này cũng nhận xét các diễn viên vào vai tự nhiên, thực sự sống trong nhân vật, nói lên suy nghĩ của nhân vật, thay vì đọc lời thoại ra từ kịch bản như ở nhiều phim khác.
Do “Chị dâu” được xây dựng kịch tính từ những cuộc cãi vã, nên có luồng ý kiến cho rằng phim “nói” quá nhiều, ít thời gian cho khán giả lắng đọng và cảm. Song có một lượng lớn khác nhận xét họ thấy một phần gia đình mình hoặc thấy hoàn cảnh chính mình trong bộ phim, vì vậy cảm thấy thông cảm và yêu thương gia đình nhiều hơn.
Ra mắt ngày 20/12/2024, phim có tuần mở màn không nổi bật. Tuy nhiên ở ngày chiếu thứ 3, “Chị dâu” bất ngờ bứt tốc về doanh số nhờ hiệu ứng truyền miệng của người xem. Nhà phê bình Phong Việt cho rằng phim hoàn toàn có khả năng chạm hoặc vượt mốc 100 tỷ đồng trong tháng Một, trước khi loạt phim mới và phim Tết Nguyên đán đổ bộ.
Kịch bản “đo ni đóng giày” cho diễn viên
Trong phim, hành trình phát triển của nhân vật là yếu tố đặc biệt quan trọng, vừa cho thấy sự tiến triển của câu chuyện, vừa chứng minh thông điệp tác phẩm. Có nhiều cách để người làm phim xây dựng hành trình này, ví dụ xây dựng câu chuyện thật logic, chắc chắn; cùng diễn viên xây dựng hồ sơ nhân vật trên giấy; đọc kịch bản và sửa thoại cùng diễn viên…
Với Khương Ngọc, anh đưa dàn diễn viên vào quá trình xây dựng và hoàn thiện kịch bản. Ban đầu đạo diễn này trình bày ý tưởng câu chuyện cho cặp đôi biên kịch Kim và Toto Chan “xào nấu.”
Nhưng đó mới là nửa quãng đường, với nửa còn lại, Khương Ngọc đã làm việc trực tiếp với dàn 5 diễn viên để diễn thử, có hình dung trực quan về chuyển động, cách ứng xử, cho ra câu chuyện và lời thoại phù hợp nhất, tiếp tục điều chỉnh trong quá trình quay… Vì vậy anh chia sẻ “'Chị dâu' là sản phẩm trí tuệ của rất nhiều người.”/.