Chạy nước rút kỳ thi vào 10: Sỹ tử "thâu đêm suốt sáng dùi mài kinh sử"
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là diễn ra kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội, nhiều học sinh lớp 9 đang ra sức ôn thi, không ít em chỉ được ngủ chưa đầy 4 giờ mỗi ngày.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang đến gần, song nhiều ý kiến cho rằng áp lực của kỳ thi này còn lớn hơn cả vào đại học, bởi vì “cửa” vào các trường công lập trên địa bàn Thủ đô là quá hẹp.
Ngủ không đủ giấc
Năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho 119 trường trung học phổ thông công lập là 1.657 lớp với 73.695 học sinh. Tuy nhiên, số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là 133.000 học sinh (tăng 5.732 học sinh so với năm ngoái). Như vậy, chỉ khoảng 61% các em học sinh sẽ được tuyển vào các trường công lập, song đây là con số trung bình. Trên thực tế, tại các khu vực tập trung dân đông thì tỷ lệ trên là còn thấp hơn nhiều.
Thêm vào đó, các trường công có sức cạnh tranh cao (như Cầu Giấy, Yên Hòa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Gia Thiều, Xuân Đỉnh, Lê Quý Đôn-Hà Đông, Quang Trung-Hà Đông) song chỉ tiêu tuyển sinh năm nay lại giảm.
Gần sát ngày thi, lịch học của Thanh Hà, học sinh lớp 9 của một trường cấp 2 tại Hà Nội trở nên dày đặc và căng thẳng hơn bao giờ hết. Thời gian nghỉ ngơi và di chuyển giữa các ca học của em chỉ khoảng 1-2 giờ.
“Em đi học trên trường từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Sau đó, em thường đi học thêm từ 1 đến 2 ca để bổ sung kiến thức. Với những ngày học thêm 1 ca, em sẽ học một mạch đến 6 giờ 45. Ngày học thêm 2 ca, em đi học luôn đến 9 giờ 45,” Thanh Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thanh Hà cho biết thêm sau một ngày dài đi học bên ngoài, song về đến nhà, em vẫn thường làm bài tập (tự học) khoảng 1 giờ và ôn lý thuyết từ 30-45 phút.
Ngoài việc tập trung ôn thi vào trường công, Thanh Hà còn dành rất nhiều thời gian cho việc ôn luyện thi vào chuyên Anh của Trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ. Và, thời gian học tập tăng lên đồng nghĩa với việc các thời gian dành cho những việc khác bị rút ngắn. Vì vậy, Thanh Hà chia sẻ em thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu ngủ.
“Có những hôm học muộn, em ngủ không đủ giấc nên sáng hôm sau đến lớp rất buồn ngủ. Do không dạy được sớm, em thường không kịp ăn sáng và đi học luôn. Trung bình 1 ngày, em ngủ được nhiều thì 5-6 giờ, còn ít thì khoảng dưới 4 giờ do em đi học về khuya cộng thêm làm bài tập muộn,” Thanh Hà tâm sự.
Cũng ở trong tình trạng trên, An Phương học sinh lớp 9, tại Hà Nội, chia sẻ lịch học dày đặc khoảng 13 giờ một ngày. Cụ thể, các ca học chính trên trường vào buổi sáng và ca học tăng cường của nhà trường vào buổi chiều. Bên cạnh đó, em cũng học thêm ở các trung tâm từ 1 đến 2 ca vào buổi tối. Để rèn luyện kiến thức, Phương dành thời gian khuya để tự ôn luyện đề và nghe các bài chữa đề trên mạng.
“Mỗi ngày, em đi học hết khoảng 10 giờ và em dành 2 giờ 30 phút để làm bài tập và luyện làm đề thi thử,” An Phương chia sẻ.
Trung bình một tuần, An Phương luyện khoảng 3 đề Ngữ văn, 5 đề Toán và 21 đề tiếng Anh.
Cần lưu tâm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi
Đặt nguyện vọng vào Trường trung học phổ thông Việt Đức (kinh nghiệm cho thấy điểm tuyển sinh đầu vào khoảng 43 điểm), do đó, Thanh Hà cho rằng phải rất nỗ lực vì qua mấy đợt thi thử điểm số của em vẫn còn “bấp bênh.”
“Ở trường, em thi thử được 4-5 đợt và kết quả dao động khoảng 40-43 điểm. Môn mà em không chắc nhất là Văn. Sắp thi rồi mà điểm chưa đủ chắc chắn, trong khi kết quả thi của các bạn trong lớp có những chuyển biến rất tốt. Điểm của em không bằng được các bạn nên thấy khá là áp lực,” Thanh Hà nói.
Tương tự, An Phương đặt nguyện vọng vào Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng và điểm chuẩn năm ngoái là 42,75 điểm.
An Phương cho biết đang cố gắng đạt mục tiêu 44 điểm cho thêm phần “chắc suất” vào trường. Năm nay, trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng có có tỷ lệ “chọi” khoảng 1/2,33 và nằm trong top 7 trường có tỷ lệ "chọi" cao nhất.
“Điểm thi thử các lần của em cao nhất là 43 điểm, bình thường còn bình quân khoảng 41-42 điểm. Em cũng khá lo vì điểm còn rất ‘chênh vênh’ để đạt được nguyện vọng và cũng hơi cao so với học lực,” An Phương cho hay.
Để cải thiện điểm của mình, An Phương thậm chí còn nghĩ ra nhiều cách để “học cho vào.”
“Khoảng mấy tuần trước, em cũng cố gắng đi ngủ lúc 10 giờ 30, để có thể thức dậy lúc 3-4 giờ sáng vì em thấy đó là khoảng thời gian học môn Văn là hiệu quả nhất. Nhưng sau 1 tuần, em bắt đầu bị đau đầu, buồn nôn và thỉnh thoảng đau bụng. Em nghĩ sức khỏe quan trọng hơn, nên không dậy quá sớm nữa,” An Phương.
Với lịch học dày đặc trong một thời gian dài như vậy, học sinh sẽ gặp rất nhiều áp lực trong học tập và dẫn tới stress, lo âu thậm chí là trầm cảm. Tinh thần của của các em đang ở lứa tuổi còn phát triển rất nhiều về thể chất cũng như là phát triển về sức khỏe tâm thần.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thị Thu Hoa, giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Xã hội và Nhân văn cho rằng việc ôn thi ở giai đoạn ‘nước rút’ khiến các em học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc học mỗi ngày. Điều này sẽ khiến các em rơi vào tình trạng thiếu ngủ và căng thẳng kéo dài. Hệ quả dễ dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch. Với thể trạng này, các em cũng sẽ bị giảm khả năng tập trung về ghi nhớ. Bởi vì, một não bộ bình thường không thể tiếp nhận toàn bộ được kiến thức
Chính vì vậy, tiến sỹ Phạm Thị Thu Hoa cho rằng các học sinh, phụ huynh và nhà trường cần thiết phải lưu tâm đến chương trình học tập, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và cân bằng, để đảm bảo cho các em có đủ điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi./.