Châu Âu chế tạo hệ thống đánh chặn vũ khí siêu vượt âm của Nga

CEO MBDE cho biết hệ thống tên lửa mới có thể được triển khai khắp châu Âu để đánh chặn các tên lửa siêu vượt âm của Nga, được coi là không thể tiêu diệt bằng hệ thống phòng thủ hiện nay.

Máy bay MiG-31K mang theo tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tham gia một cuộc duyệt binh của Nga vào năm 2018. (Ảnh: Getty Images)

Tờ Telegraph của Anh đưa tin một doanh nghiệp liên doanh giữa Anh và Pháp đang phát triển hệ thống đánh chặn có khả năng tiêu diệt tên lửa siêu vượt âm của Nga, khi phương Tây đang chạy đua để đối trọng với công nghệ mới do Moskva phát triển.

Telegraph dẫn lời Giám đốc điều hành MBDE, ông Eric Beranger cho hay hệ thống tên lửa này có thể triển khai trên khắp châu Âu để đánh chặn các tên lửa của Nga có khả năng di chuyển với vận tốc hơn 11.100km/giờ, được coi là không thể ngăn chặn bằng các hệ thống phòng thủ hiện có.

Tên lửa đang được phát triển bởi một đội ngũ đứng đầu là MBDA, thuộc sở hữu một phần của Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng BAE Systems của Vương quốc Anh.

Công ty này đã có các thỏa thuận giai đoạn đầu với những đối tác Pháp, Italy, Đức và Hà Lan để đưa ra một nguyên mẫu trong ba năm tới.

Ông Beranger cho biết: “Các công nghệ trong lĩnh vực siêu vượt âm đang phát triển và MBDA luôn ưu tiên đi đầu trong đổi mới, hướng châu Âu tới giải pháp hiệu quả nhất để chống lại các mối đe dọa của tên lửa siêu vượt âm.”

Các tên lửa thông thường bay với vận tốc khoảng Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh), trong khi tên lửa siêu vượt âm di chuyển ở vận tốc tối thiểu Mach 5, khoảng 6.100km/giờ, thậm chí nhanh hơn.

Ngoài vận tốc cực nhanh, các tên lửa siêu vượt âm còn có đường bay không thể đoán trước khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn.

Các vũ khí siêu vượt âm do Nga phát triển bao gồm 3M22 Zircon, tên lửa chống hạm được Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả là "bất khả chiến bại" vào năm 2018. Tên lửa này đã được một tàu chiến Nga phóng thử vào năm 2022.

Các tàu chiến được cho là mục tiêu dễ bị tấn công bởi tên lửa siêu vượt âm, đặc biệt nếu chúng phải đối mặt với nhiều loại vũ khí cùng một lúc. Vì thế, tên lửa siêu vượt âm là mối đe dọa lớn đối với các tàu sân bay mà phương Tây sử dụng để thể hiện sức mạnh trên toàn thế giới.

Các công ty của Anh bao gồm Qinetiq và Cohort cũng đang nghiên cứu những giải pháp xử lý thách thức mới liên quan tới vũ khí siêu vượt âm, trong đó Qinetiq đang cố gắng sử dụng vũ khí laser có tên là “lửa rồng” để giải quyết vấn đề.

Trước đó ngày 14/6, công ty quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems của Israel đã tuyên bố về việc phát triển hệ thống phòng không “Sky Sonic”, được thiết kế để đánh chặn tên lửa siêu vượt âm.

Người đứng đầu công ty Yuval Steinitz nói rằng hệ thống này dựa trên một công nghệ độc nhất vô nhị chưa từng có trên thế giới.

[Nga phóng tên lửa chống hạm siêu vượt âm trên Biển Nhật Bản]

Đã có những hy vọng rằng tên lửa siêu vượt âm của Nga không phải là “bất khả chiến bại” khi vào tháng 5, Ukraine tuyên bố đã phá hủy nhiều tên lửa KH-47M2 Kinzhal - một tên lửa siêu vượt âm khác của Nga - bằng hệ thống Patriot mà Ukraine nhận từ Mỹ.

Nga đã bác bỏ tuyên bố này là bịa đặt. Nhưng cũng cần lưu ý rằng Kinzhal chỉ là một trong các vũ khí siêu vượt âm của Nga và nhiều mẫu sau này khó đánh chặn hơn rất nhiều.

Các loại vũ khí siêu vượt âm thường được chia thành hai loại - một biến thể sử dụng động cơ phản lực cực nhanh và biến thể còn lại là đầu đạn được phóng bằng tên lửa ra khỏi bầu khí quyển sau đó bay trở lại để tiếp cận mục tiêu.

Để phát triển khả năng phòng thủ tốt trước những vũ khí này, một hệ thống phòng không phải giám sát một khu vực rộng lớn nhằm sớm phát hiện và triển khai việc đánh chặn.

Để tiêu diệt các vũ khí siêu vượt âm, người ta có thể sử dụng biện pháp đánh chặn trực tiếp. Tuy nhiên đây là phương pháp khó nhất, vì tốc độ quá nhanh của vũ khí.

Ngoài ra, có thể tiêu diệt vũ khí siêu vượt âm nếu nó nằm trong phạm vi bán kính vụ nổ của tên lửa đánh chặn. Nhưng điều này có thể dẫn tới nguy cơ các mảnh đạn và mảnh vụn rơi xuống đất, gây phá hoại lớn hơn.

Giải pháp vũ khí laser cũng được tính tới. Về mặt lý thuyết, hệ thống đánh chặn laser có thể hoạt động bằng cách chiếu nguồn năng lượng cao vào vũ khí siêu vượt âm và làm hỏng các thiết bị điện tử bên trong./.

Đức Hiếu (Vietnam+)