Chất vấn tại Quốc hội: Đầu tư công cụ kỹ thuật để quản lý thông tin trên mạng
Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan, tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ.
Chiều 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông của Quốc hội, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời đại của chúng ta là thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin là then chốt; đồng thời đề cập 5 trụ cột cốt lõi để công nghệ thông tin phát triển, gồm hạ tầng về công nghệ thông tin; dữ liệu lớn; bảo mật công nghệ thông tin, an ninh mạng; nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật, điện toán đám mây…
Về nhóm vấn đề báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận và nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương để xã hội học tập.
Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan. Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại.
Theo Phó Thủ tướng, báo chí cần phải định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao. Chính phủ và các bộ, ngành sẽ siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời. Bên cạnh đó, đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế.
Kết luận phiên chất vấn với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá Phiên chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông diễn ra sôi nổi. Tại phiên chất vấn, đã có có 36 đại biểu Quốc hội chất vấn, 9 đại biểu tranh luận.
Với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả tích cực.
Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng, thông tin tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Hoạt động quảng cáo xuyên biên giới được tăng cường giám sát, các quảng cáo vi phạm được yêu cầu chặn, gỡ kịp thời. Tăng cường quản lý chuyên ngành hoạt động quảng cáo, nhất là xử lý vi phạm liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Mạng di động đã phủ sóng 99,8% dân số, giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ mới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý lĩnh vực thông tin-truyền thông còn có những tồn tại, hạn chế như còn tình trạng cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí hoạt động chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi.
Việc ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí còn một số vướng mắc. Mức độ chuyển đổi số báo chí chưa cao. Các quy định pháp luật về quảng cáo trên báo chí còn bất cập; việc kiểm soát nội dung, sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đại lý quảng cáo còn khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung.
Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng.
Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tôn chỉ nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo báo chí. Kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng.
Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.
Thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí. Tăng cường đấu tranh, đàm phán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới và các mạng lưới quảng cáo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiên cố hóa hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã.
Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện.
Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông./.