Chấn chỉnh hoạt động khai thác, nạo vét khoáng sản cát ở Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ các giấy phép khai thác, nạo hút cát trong các lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn để chấn chỉnh tình trạng khai thác ồ ạt theo phản ánh của báo chí.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các công ty thủy điện trên địa bàn, yêu cầu siết chặt, chấn chỉnh hoạt động khai thác, nạo vét khoáng sản cát xây trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ các giấy phép khai thác cát, nạo hút cát trong các lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn.

Cụ thể, văn bản số 5904/UBND-GT ngày 8/8/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nêu, theo báo cáo của cơ quan chức năng và phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí: thời gian qua, tình hình khai thác, nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản cát xây dựng tại lòng sông, lòng suối, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh để xảy ra nhiều vi phạm, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Tình trạng khai thác, nạo vét trái phép, không phép, trá hình chưa được ngăn chặn triệt để gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách nhà nước.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng; các giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ lòng hồ thủy điện, thủy lợi để thực hiện nạo vét kết hợp thu hồi cát, đã được cấp phép từ năm 2021 đến nay.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động khai thác, nạo vét của các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép từ năm 2021 đến nay; tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 10/9/2022 thu hồi giấy phép của các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; không thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo yêu cầu; không thực hiện các biện pháp đảm bảo yêu cầu về bảo vệ lòng sông, lòng suối, lòng hồ theo Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ...

[Lâm Đồng: Đào núi khai thác đất, đá trái phép hay san gạt để làm vườn?]

Các tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông, được phép hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi cát trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi phải thực hiện nghiêm việc công khai thông tin về thời gian, phương tiện khai thác, khối lượng khai thác, nạo vét đã đăng ký khi cấp phép, công xuất khai thác, nạo vét để người dân được biết.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công khai trên thì tiến hành đình chỉ hoạt động khai thác theo quy định. Các sở, ngành có liên quan sau khi thanh tra, kiểm tra, báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 15/9/2022 để xem xét giải quyết, xử lý những giấy phép đã cấp cho các tổ chức, cá nhân từ năm 2021 đến nay theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, địa bàn tỉnh hiện nay có 99 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó, 93 giấy phép do Ủy ban Nhân dân cấp và sáu giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Căn cứ các quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt danh sách các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra năm 2021 và 2022, đã có 60 đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Vẫn còn 35 tổ chức, cá nhân chưa được thực hiện thanh tra, kiểm tra, trong đó có ba tổ chức, cá nhân đã ngừng hoạt động, thực hiện đóng cửa mỏ để trả lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Qua theo dõi thực tế và nắm bắt thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, địa bàn nổi lên một số điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình trong đó là tình trạng khai thác cao lanh ở thành phố Bảo Lộc, khai thác cát, sét, đất san lấp ở các huyện Lâm Hà và Di Linh...

Trước đó từ tháng 11/2021 đến tháng 6/2022, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có nhiều bài viết, phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ồ ạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điển hình như các bài Lâm Đồng: đào núi khai thác đất đá trái phép hay san gạt để làm vườn,” “Núp bóng nạo vét lòng hồ để khai thác khoáng sản có làm thất thoát thuế ở Lâm Đồng,” “Lâm Đồng: Làm rõ vụ núp bóng sản xuất gạch để khai thác cao lanh...”

Trước các thông tin trên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận, chỉ đạo cho kiểm tra, xử lý tình trạng lợi dụng kẽ hở của các quy định nhà nước, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh./.

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)