Chậm nhất ngày 10/9 sẽ bàn giao mặt bằng cao tốc Cao Lãnh-An Hữu
Về tiến độ dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu chậm nhất là ngày 10/9, phải hoàn thành thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án.
Về tiến độ dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu chậm nhất là ngày 10/9, phải hoàn thành thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án.
Đối với 18 hộ chưa bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 2, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị cần có phương pháp tiếp cận từng nhóm hộ dân cụ thể, đặc biệt là xác định cụ thể từng trường hợp để có giải pháp vận động, thuyết phục phù hợp và kiên trì thực hiện.
Đến ngày 15/9, phải có chuyển biến tích cực trong giải phóng mặt bằng đối với các hộ nói trên. Ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh, tuy không mong muốn nhưng nếu người dân nhất quyết không giao đất thì phải cưỡng chế thu hồi đất nhằm đảm bảo tiến độ dự án và sự công bằng trong nhân dân.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, giai đoạn 1 sơ bộ tổng mức đầu tư 7.496 tỷ đồng bao gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chiều dài khoảng 16km, tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản, đã khởi công ngày 25/6/2023.
Còn dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, chiều dài khoảng 11,45km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản, đã khởi công xây dựng vào ngày 12/8/2024.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1 có tổng cộng 16 gói thầu, đến nay, đã lựa chọn nhà thầu 15/16 gói thầu; chỉ còn gói thầu tư vấn kiểm định chất lượng công trình là chưa lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu đã huy động hơn 360 nhân sự, trên 80 thiết bị để tổ chức thi công dự án.
Đến nay, về đường công vụ, đã đào đất 17,1km, đắp cát 16,1km, rải cấp phối đá dăm 6,2km. Tuyến chính đã đào đất được 11,2km, đắp cát 7,5km. Phần dầm sàn liên tục hoàn thành 68/68 móng cọc bê tông cốt thép dự ứng lực, hoàn thành 61/68 trụ.
Nhà thầu tổ chức thi công tại 18/19 cầu, lao dầm 27/77 nhịp, mặt cầu 13/77 nhịp. Tổng giá trị thực hiện các hạng mục ước đạt 888 tỷ đồng, đạt 34,9% giá trị hợp đồng xây dựng.
Ông Nguyễn Nhựt Pháp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Nhu cầu vật liệu cát đắp nền của Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m3; trong đó, nhu cầu năm 2024 là 1,7 triệu m3.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp giới thiệu cho nhà thầu 3 mỏ cát để thực hiện thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù.
Đến nay, đã khai thác mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò); mỏ cát thuộc xã Thường Lạc, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (thành phố Hồng Ngự) với tổng khối lượng trên 350.200 m3. Còn mỏ cát thuộc xã An Hiệp, An Nhơn (huyện Châu Thành) tiến hành khai thác vào ngày 23/8/2024.
Để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu cát, đáp ứng tiến độ thi công dự án, UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu thêm một mỏ cát trên sông Tiền, đoạn qua Phường 11 và xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh) để thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù.
Nhà thầu thi công phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khoan thăm dò xác định trữ lượng cát. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định báo cáo trữ lượng khoáng sản, dự kiến mỏ cát này sẽ đưa vào khai thác trong tháng 10/2024.
Nhu cầu về cát trong năm nay của Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 là 1,7 triệu m3, nhưng đến nay chỉ tiếp nhận được được hơn 350.200 m3. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu các cơ quan, đơn vị liên quan đặt ra yêu cầu cao về tiến độ xem xét hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian đưa mỏ cát vào khai thác theo cơ chế đặc thù; tiến hành những thủ tục khai thác mỏ cát mới và nâng công suất mỏ cũ.
Khi cung ứng đủ về cát, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải đảm bảo tiến độ. Phấn đấu đến hết năm 2024, xây dựng xong các cầu trên tuyến; đến tháng 9/2025, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 cơ bản hoàn tất các phần thi công xây lắp toàn tuyến.
Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1 có thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2027. Quy mô giai đoạn 1, mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16m, vận tốc khai thác 80km/h. Quy mô giai đoạn hoàn thiện, mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng mặt đường hơn 23m, vận tốc khai thác 100km/h.
Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1 có điểm đầu thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, giao với Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; điểm cuối thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, giáp nối với điểm đầu Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp, để thực hiện Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1 phải thu hồi tổng diện tích đất trên 101ha; có 548 hộ bị ảnh hưởng. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ hơn 535 tỷ đồng; tái định cư cho 101 hộ với 117 nền nhà.
Đến nay, đa số các hộ dân đã bàn giao mặt bằng được 100,79 ha (đạt 99,7%). Tuy nhiên, còn 3 hộ (0,35ha) ở xã Mỹ Thọ và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh chưa bàn giao mặt bằng vì khiếu nại giá bồi thường về đất, nhà ở, cây trồng; đề nghị bồi thường đất ngoài ranh và bố trí tái định cư.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lãnh Bùi Tấn Phước cho biết: Chính quyền địa phương và các đoàn thể đã nhiều lần gặp gỡ, vận động 3 hộ còn lại bàn giao đất cho dự án nhưng vẫn chưa thống nhất.
Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lãnh đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 3 hộ nói trên. Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân. Đồng thời, chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định, dự kiến tổ chức cưỡng chế trong tháng 8/2024.
Đối với Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 2, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 3,98km, phải thu hồi đất hơn 28ha, 188 hộ bị ảnh hưởng. Tổng trị giá bồi thường, hỗ trợ trên 186 tỷ đồng, tái định cư cho 44 hộ với 48 nền nhà. Đến nay, có 170 hộ đã bàn giao mặt bằng được 26,24ha.
Còn 18 hộ (2,02ha); trong đó có 2 hộ ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười và 16 hộ ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh chưa bàn giao mặt bằng, đa số vì yêu cầu nâng giá bồi thường đất, tài sản trên đất.
Từ tháng 5 - 8/2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp nhiều lần phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thanh Mỹ, Mỹ Hiệp vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện quyết định thu hồi đất và giao đất cho dự án. Tuy nhiên 18 hộ này vẫn chưa thống nhất bàn giao đất.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp, nhằm đảm bảo mặt bằng “sạch” triển khai Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 2 đoạn qua địa bàn tỉnh, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, Ủy ban Nhân dân và tổ chức chính trị-xã hội 2 huyện Cao Lãnh, Tháp Mười vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Cùng đó, rà soát, củng cố hồ sơ gửi phòng chuyên môn của huyện Tháp Mười, Cao Lãnh thẩm định, làm cơ sở trình cấp thẩm quyền chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để đảm bảo tiến độ chung của dự án./.