Cầu thủ V-League "rủ nhau" xuống hạng Nhất: Hiện tượng buồn của bóng đá Việt

Nếu những ngôi sao vẫn tiếp tục duy trì được động lực thi đấu, việc xuống chơi ở Giải hạng Nhất có thể chỉ là một bước lùi ngắn để "lấy đà" hướng tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Hai "sao hạng A" của V-League là tiền vệ Hoàng Đức (trái) và thủ môn Đặng Văn Lâm xuống thi đấu tại Giải hạng Nhất Quốc gia. (Ảnh: Phù Đổng Ninh Bình)

Mùa giải 2024-2025 của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cấp câu lạc bộ đang chứng kiến một cuộc "đổ bộ" hy hữu: hàng loạt cầu thủ tên tuổi lần lượt rời bỏ đấu trường V-League để đầu quân cho những đội bóng có tiềm lực tài chính "khủng" ở sân chơi hạng Nhất Quốc gia.

Hiện tượng lạ của bóng đá Việt

Đương kim Quả bóng Vàng Việt Nam, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức đã quyết định lựa chọn Phù Đổng Ninh Bình - "đại gia" ở Giải hạng Nhất làm bến đỗ, sau 13 năm gắn bó với Câu lạc bộ Thể Công-Viettel.

Đang ở độ tuổi đẹp nhất của sự nghiệp cầu thủ (Hoàng Đức sinh năm 1998), quyết định "xuống hạng" của tiền vệ quê Hải Dương đương nhiên "gây bão" và trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi.

Tuy nhiên, Hoàng Đức không phải "sao hạng A" duy nhất rời bỏ V-League để xuống hạng Nhất. Trước khi hoàn tất hợp đồng với cựu sao của Thể Công, Phù Đổng Ninh Bình cũng đã đánh bại nhiều đối thủ để có được chữ ký của thủ môn Đặng Văn Lâm, "người gác đền" của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Một cựu sao khác của V-League là tiền đạo Nguyễn Công Phượng, sau khi kết thúc "cuộc viễn chinh" ở Nhật Bản và trở về Việt Nam, cũng đã lựa chọn câu lạc bộ hạng Nhất là Trường Tươi Bình Phước để đầu quân, thay vì một đội bóng đang thi đấu tại V-League.

Không chỉ thu hút những ngôi sao lớn hay cựu sao, Giải hạng Nhất còn lôi kéo thành công cả "sao mai" của V-League, như trường hợp của tiền đạo Nguyễn Quốc Việt (sinh năm 2003), chân sút với biệt danh "Vua giải trẻ" (5 lần giành "Vua phá lưới" ở các lứa U17, U19 và U21 Quốc gia) chia tay Hoàng Anh Gia Lai để đầu quân cho Phù Đổng Ninh Bình.

"Sao mai" Nguyễn Quốc Việt cũng chia tay V-League để xuống chơi ở Giải hạng Nhất. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Ngoài ra, danh sách "sao" V-League xuống chơi ở Giải hạng Nhất còn có sự góp mặt của nhiều cầu thủ từng được triệu tập lên Đội tuyển Quốc gia như tiền đạo Đinh Thanh Bình (từ Hoàng Anh Gia Lai đến Ninh Bình), tiền vệ Đỗ Văn Thuận (Bình Định đến Ninh Bình), trung vệ Lê Ngọc Bảo (Bình Định đến PVF-CAND) hay trung vệ Huỳnh Tấn Sinh (Công an Hà Nội đến Bình Phước)...

Lùi ngắn để tiến dài?

Việc những ngôi sao đang ở độ chín của sự nghiệp chấp nhận rời bỏ hạng đấu cao nhất để xuống thi đấu cho những câu lạc bộ hạng Nhất chắc chắn là một bước lùi về chuyên môn, khi các cầu thủ đánh mất cơ hội để trui rèn và phát triển trình độ ở môi trường cạnh tranh nhất.

"Giải hạng Nhất có số lượng trận đấu ít hơn (22 vòng so với 26 vòng của V-League), trình độ các đội bóng thấp hơn và đặc biệt không được sử dụng ngoại binh, điều này khiến tính cạnh tranh của giải thấp hơn hẳn. Đối chiếu với những nền bóng đá khác trong khu vực đang tìm hướng xuất ngoại cho các cầu thủ giỏi để nâng cao trình độ, việc những cầu thủ của chúng ta dù đang ở độ chín lại xuống thi đấu ở Giải hạng Nhất là một 'hiện tượng' buồn của bóng đá Việt," chuyên gia Phan Anh Tú, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phân tích.

Đồng quan điểm về sự chênh lệch trình độ lớn giữa các trận đấu ở Giải hạng Nhất so với mặt bằng V-League, tuy nhiên cựu danh thủ Đặng Phương Nam cho rằng đây có thể chỉ là một "bước lùi ngắn" của các ngôi sao để "lấy đà" chuẩn bị cho những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

"Với chất lượng nội binh hiện tại không hề thua kém những đội bóng ở V-League, những 'đại gia' ở Giải hạng Nhất như Phù Đổng Ninh Bình hay Trường Tươi Bình Phước... chắc chắn đặt mục tiêu lên hạng vào cuối mùa, thậm chí cạnh tranh cho danh hiệu Cúp Quốc gia ngay ở mùa này. Nếu hoàn thành mục tiêu lên hạng ngay trong mùa này, Ninh Bình có thể sẽ còn đầu tư mạnh mẽ hơn, xây dựng một 'dream-team' mới ở V-League mùa sau," cựu danh thủ Đặng Phương Nam nhận định.

Những ngôi sao như thủ môn Đặng Văn Lâm (ảnh), tiền vệ Hoàng Đức, tiền đạo Công Phượng... cần nỗ lực duy trì phong độ để nuôi hy vọng tiếp tục góp mặt trên Đội tuyển Quốc gia. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tương tự, bình luận viên Vũ Quang Huy cũng nêu quan điểm rằng người hâm mộ cần đồng cảm hơn khi các cầu thủ cố gắng cải thiện thu nhập, và chờ đợi kiểm chứng thái độ thi đấu của những cầu thủ này trước khi đưa ra những đánh giá.

"Trên thế giới, không thiếu những trường hợp các cầu thủ chấp nhận đến những nền bóng đá có trình độ thấp hơn để hưởng đãi ngộ cao. Tuy nhiên sau khi đã có điểm tựa về kinh tế, những cầu thủ này tập trung duy trì phong độ để 'tìm đường' trở lại bóng đá đỉnh cao. Tôi kỳ vọng các cầu thủ Việt Nam cũng sẽ học tập theo hình mẫu đó. Đặc biệt với trường hợp của những tuyển thủ quốc gia như Hoàng Đức, Văn Lâm, Công Phượng, tôi cho rằng nhóm cầu thủ này cần tự tạo áp lực cho bản thân, phải đặt 'chuẩn' cao hơn thông thường với mỗi trận đấu ở hạng Nhất, có như vậy mới đảm bảo phong độ và nuôi hy vọng góp mặt ở đội tuyển," bình luận viên Quang Huy nhấn mạnh./.