Cắt giảm khâu trung gian trong tiêu thụ trái cây
Hiện nay với sự kết nối của chính quyền địa phương, không ít nhà bán lẻ thu mua được hàng hóa trực tiếp từ vùng trồng, người nông dân mà không qua khâu trung gian.
Ghi nhận trong những ngày gần đây, nhiều sản phẩm trái cây vùng, miền nhộn nhịp đổ về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ bằng cách kênh phân phối, bán lẻ, mà còn thông qua hoạt động xúc tiến thương mại-du lịch gắn với lễ hội, thu mua hàng hóa tận gốc.
Bên cạnh đó, với nguồn cung dồi dào, nhà bán lẻ áp dụng chương trình khuyến mãi nên người tiêu dùng thành phố được hưởng lợi và thưởng thức đa dạng chủng loại trái cây từ miền Bắc cho đến miền Tây.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Mỹ Trang, cư ngụ tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ gia đình rất thích sản phẩm mận hậu miền Bắc nên hàng năm cứ vào thời điểm này là tìm mua để thưởng thức.
Năm nay, tại hệ thống siêu thị Co.opmart có chương trình khuyến mãi sản phẩm mận hậu Sơn La với giá 29.900 đồng/kg nên gia đình tận dụng cơ hội mua biếu tặng người thân và bạn bè.
Theo chị Mỹ Trang, nếu trước đây sản phẩm trái cây nội địa khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên người tiêu dùng quan ngại, nhất là những ở những điểm bán tại chợ tạm hay ven đường.
Tuy nhiên, hiện nay với sự kết nối của chính quyền địa phương, không ít nhà bán lẻ thu mua được hàng hóa trực tiếp từ vùng trồng, người nông dân mà không qua khâu trung gian, nên hàng hóa không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà giá bán cũng cạnh tranh.
Cùng quan điểm, anh Đình Duy, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều tỉnh, thành tổ chức hoạt động xúc tiến phân phối, bán lẻ nông - đặc sản địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó tăng mức độ nhận diện sản phẩm trái cây nội địa và thương hiệu doanh nghiệp uy tín.
Đặc biệt, khi đã nhận biết được thương hiệu, người tiêu dùng có thể tìm mua sản phẩm ở kênh bán lẻ hiện địa như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay ngay cả mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Anh Đình Duy cho biết thêm, hiện tại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giá bán một số sản phẩm trái cây của nhiều vùng, miền có xu hướng bình ổn thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng thưởng thức sản phẩm đầu mùa tươi ngon. Trong đó, có thể kể đến những phẩm như trái vải miền Bắc có giá bán ưu đãi phổ biến còn 59.000 đồng/kg, cam xoàn Đồng Tháp 39.000 đồng/kg, cam sành Tiền Giang 15.000 đồng/kg; bưởi da xanh OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 45.000 đồng/kg, sầu riêng Bến Tre 89.000 đồng/kg, bơ sáp Đà Lạt 27.000 đồng/kg, táo Ninh Thuận 28.000 đồng/kg… tại kênh bán lẻ hiện đại trên trên địa bàn thành phố.
Ghi nhận thực tế tại mạng lưới chọ truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, nguồn cung nhóm sản phẩm trái cây nội địa rất dồi dào và giá bán không tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, ngoài một số ít sản phẩm mất mùa như măng cụt thì cả giá tăng nhẹ.
Về chất lượng hàng hóa được đơn vị kinh doanh đảm bảo bao bì, nguồn gốc xuất xứ và niêm yết giá cả minh bạch để giữ chân khách hàng trong bối cảnh sức mua trên thị trường duy trì ở mức thấp.
Cụ thể, bà Mai Lan, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, hiện tại đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ của hàng loạt sản phẩm trái cây vùng, miền nên nhà vườn, thương nhân nhộn nhịp nhập hàng về Thành phố Hồ Chí Minh, vì đây không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn mà còn là trạm trung chuyển hàng hóa đi các địa phương khác và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sản phẩm trái cây nội địa sau khi thành công vào nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách trong và ngoài nước, thì không ít điểm kinh doanh ẩm thực như quán ăn, chuỗi càphê-nước giải khát cũng đưa sản phẩm trái cây theo mùa vào thực đơn để phục vụ khách hàng, góp phần tiêu thụ hàng hóa nội địa.
Đồng hành cùng ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước, một số sở ngành, Ủy ban Nhân dân quận huyện và cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn thành phố cũng tích cực triển khai phong phú hoạt động giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trái cây nội địa.
Điển hình, Lễ hội Trái cây Nam Bộ lần thứ 20 sẽ được tổ chức tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/ 6/2024, giới thiệu đến du khách nét đặc sắc và phong phú chủng loại trái cây miền nhiệt đới.
Thông qua lễ hội, Ban tổ chức kỳ vọng đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, bộ sưu tập sản phẩm xanh, mô hình nông nghiệp du lịch xanh… đến người tiêu dùng và du khách.
Tương tự, Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cũng được Ủy ban Nhân dân Quận 8 tổ chức từ ngày 4-10/6/2024, nhằm xúc tiến thương mại - du lịch đến các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Long An, Ninh Thuận và Thành phố Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng… bằng việc kết nối nhà vườn, tiểu thương tham gia giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng, miền.
Còn người dân, du khách đến với Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” quận 8 vừa có thể mua sắm, thưởng thức các chủng loại trái cây đặc sản, vừa được trải nghiệm không gian văn hóa đặc trưng dấu ấn miền Tây sông nước, một chút hương vị thân quen từ miền Đông, Nam Trung bộ thu nhỏ, hội tụ giữa lòng thành phố.
Để đẩy mạnh sức mua trên thị trường trong tháng 6/2026 và 6 tháng cuối năm 2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch 2690/KH-UBND ngày 15/5/2024 về việc tổ chức Chương trình khuyến mãi tập trung-Mùa mua sắm “Shopping Season” trên địa bàn thành phố năm 2024 (đợt 1 từ ngày 15/6/2024 - 15/9/2024, đợt 2 từ ngày 15/11/2024 - 31/12/2024).
Chương trình khuyến mãi tập trung năm 2024 sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu tạo hiệu ứng lan tỏa kích cầu mua sắm, đồng thời ngoài việc tuyên truyền chương trình đến người dân và doanh nghiệp, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ liên kết các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam mở rộng chương trình./.