Capital Economics: Nhu cầu của Trung Quốc sẽ thúc đẩy giá vàng trong thập kỷ tới
Giới phân tích nhấn mạnh Trung Quốc là lực đẩy chính đằng sau đà tăng của giá vàng, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua một lượng lớn vàng trong 18 tháng liên tiếp.
Cho đến nay, vàng đã có một năm 2024 khởi sắc, khi tăng khoảng 20% kể từ đầu năm.
Giới phân tích nhấn mạnh Trung Quốc là lực đẩy chính đằng sau đà tăng này, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC-ngân hàng trung ương) đã mua một lượng lớn vàng trong 18 tháng liên tiếp.
Mặc dù PBoC đã ngừng mua thêm vàng gần đây, nhưng các nhà phân tích tại Capital Economics dự đoán việc dừng tích lũy vàng này chỉ là tạm thời, và nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ còn tăng hơn nữa trước tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng, bất ổn kinh tế và những nỗ lực chuyển hướng khỏi đồng USD.
Và không chỉ PBoC thể hiện sự quan tâm đến vàng, mà nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc cũng đã tăng lên các mức trước đại dịch.
Bên cạnh đó, Capital Economics cho biết sự gia tăng mạnh trong nhu cầu đối với các tài sản “vàng giấy” như các quỹ trao đổi vàng (ETF) và hợp đồng tương lai cũng thúc đẩy cơn sốt vàng ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng với hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương, nhu cầu vàng vật chất mạnh mẽ và sự gia tăng mạnh trong lượng vàng mà các quỹ trao đổi vàng nắm giữ, Trung Quốc là động lực chính trong đà khởi sắc của giá vàng trong năm nay.
Còn về tương lai, các chuyên gia này dự đoán: “Nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng lên khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc trong thập kỷ này. Điều này sẽ tạo áp lực đẩy giá vàng tăng lên và có thể gây ra biến động lớn hơn trên thị trường vàng trong những năm tới đây.”
Dù Capital Economics dự đoán nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng lên trong thập kỷ tới, nhưng trong ngắn hạn, PBoC được dự đoán sẽ tiếp tục dừng mua thêm cho đến khi giá vàng rời khỏi các mức cao kỷ lục.
Capital Economics cảnh báo một loạt các yếu tố mang tính chu kỳ đang cho thấy nhu cầu vàng ở Trung Quốc sẽ suy yếu trong ngắn hạn.
Cơ quan này cho biết giá vàng tăng đang đè nặng lên nhu cầu trang sức, cùng với đó là các biện pháp kích thích tài khóa của chính phủ sẽ nâng đỡ nền kinh tế, và thị trường chứng khoán cũng được dự đoán sẽ cải thiện.
Kết hợp tất cả những điều này, Capital Economics dự đoán sức hấp dẫn của vàng so với các tài sản khác có thể sẽ giảm xuống và nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng ở Trung Quốc có thể sẽ suy yếu.
Tuy nhiên, “nốt lặng” này sẽ chỉ là tạm thời, vì nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm tốc đáng kể, phần lớn do thị trường bất động sản.
Các nhà phân tích của Capital Economics dự đoán nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng và tạo áp lực tăng giá đáng kể trong thời gian còn lại của thập kỷ này.
Giải thích cho dự đoán này, các nhà phân tích cho rằng các biện pháp kích thích tài khóa của chính phủ sẽ chỉ có tác động làm chậm lại, chứ không thể ngăn chặn, sự giảm tốc của nền kinh tế do ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản.
Điều này sẽ làm giảm hiệu suất của các lựa chọn đầu tư thay thế cho vàng, do đó thúc đẩy sức hấp dẫn của kim loại này như một kênh lưu trữ giá trị an toàn.
Một trong những yếu tố thuận lợi lớn nhất cho vàng là thực tế rằng kim loại quý này mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dự trữ của Trung Quốc, và khi nước này tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, Capital Economics cho rằng vàng sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống này.
Cơ quan này cho biết: “PBoC có thể là một người chơi chính trên thị trường vàng toàn cầu vì ngân hàng này có 3.000 tỷ USD tài sản dự trữ nhưng vàng hiện chỉ chiếm 5% trong số này.”
Capital Economics cho hay nếu PBoC tăng tỷ trọng của vàng lên ngang bằng với mức 9% của Ấn Độ, nhu cầu của ngân hàng này sẽ vào khoảng 15.000 tấn vàng, tương đương với khoảng 30% nhu cầu vàng toàn cầu trong năm 2023. Nếu lượng mua này được trải đều trong 10 năm, nó sẽ khiến nhu cầu vàng tăng thêm khoảng 3%/năm và từ đó chắc chắn sẽ hỗ trợ giá vàng.
Vì vậy, mặc dù nhận thấy nhu cầu từ PBoC vẫn thấp trong ngắn hạn, nhưng trong thập kỷ tới, Capital Economics dự đoán việc lượng mua vàng của PBoC và người dân Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế nước này phải vật lộn với nhiều trở ngại.
Triển vọng kinh tế vĩ mô kém và việc thiếu các lựa chọn đầu tư đang ngày càng thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc chuyển sang vàng. Điều này, cũng như việc mua vàng chiến lược của PBoC, sẽ khiến những thay đổi trong nhu cầu của Trung Quốc ảnh hưởng nhiều đến giá vàng toàn cầu hơn bao giờ hết.
Kết quả là giá vàng sẽ tăng lên khi Trung Quốc đang trên đà hướng đến mức tăng trưởng kinh tế hàng năm 2% trong thập kỷ này./.