Cấp mã số vùng trồng: Giải pháp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản
Việc cấp mã số vùng trồng đã, đang được Ninh Thuận chú trọng, triển khai để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sức cạnh tranh, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị và hiệu quả kinh tế cho nông sản đặc thù.
Xây dựng và cấp mã số vùng trồng nhằm cung cấp nông sản có chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Đây là việc đã và đang được tỉnh Ninh Thuận chú trọng và triển khai để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sức cạnh tranh, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh.
Tấm vé thông hành cho nông sản
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng.
Chính vì vậy, mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành" của nông sản. Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường; đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Do vậy, thời gian qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tuyên truyền, giới thiệu các quy định chung về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn TCCS 774:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng; TCCS 775:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói; các quy định chung về kiểm dịch thực vật và kiểm soát an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu cũng như từ việc cấp mã số vùng trồng đến các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã…
Ông Phú Tấn Luân, Tổ trưởng tổ sản xuất, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao - Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố, huyện Ninh Sơn, cho biết Trung tâm đã trồng 30ha măng tây xanh theo hướng hữu cơ và đã được cấp mã số vùng trồng vào năm 2022.
Bên cạnh đó, công ty đang chuẩn bị thủ tục để được cấp mã số vùng trồng cho tất cả diện tích trồng chanh không hạt để xuất khẩu thời gian tới. Ngoài việc được chỉ dẫn các quy định về cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao còn được ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn cách ghi chép sổ nhật ký canh tác, kỹ thuật trồng và chăm sóc, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ theo nguyên tắc “4 đúng,” góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, cho biết từ năm 2022 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp 35 mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp và hợp tác xã (13 mã số vùng trồng xuất khẩu và 22 mã số vùng trồng nội địa), với diện tích trên 309ha.
Vừa qua, có 1 mã số vùng trồng bưởi Phước Tiến (huyện Bác Ái) với diện tích 22ha đã đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường New Zealand và 2 mã số vùng trồng nội địa với diện tích gần 1,4ha là dưa hoàng kim và hành tím được tung ra thị trường. Đồng thời mở rộng mã số vùng trồng bưởi Phước Bình (huyện Bác Ái), đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường New Zealand.
Nâng cao giá trị nông sản
Ông Phạm Dũng cho biết hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… có quy định bắt buộc trái cây tươi và các sản phẩm nông sản từ các nước khác nhập khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Ðặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây “dễ tính” như thị trường Trung Quốc cũng đã đặt ra yêu cầu trên.
Còn ở trong nước, trái cây và nhiều loại nông sản muốn đưa vào bán tại siêu thị và các kênh bán hàng khác như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, sàn thương mại điện tử… cũng phải đòi hỏi đảm bảo tính an toàn, đạt các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP... và có mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc.
Chính vì lẽ đó, việc triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng gắn với kiểm dịch thực vật, kiểm soát an toàn thực phẩm rất được ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh, được thị trường trong và ngoài nước biết đến.
Minh chứng rõ nét đó là một số sản phẩm có thương hiệu của tỉnh như nho, táo, tỏi Phan Rang, măng tây, nha đam… đã đi hầu khắp thị trường trong nước. Đặc biệt, một số sản phẩm như bưởi da xanh, nha đam, chuối sấy… đã vươn mình xuất ngoại, chiếm được thị hiếu ở các thị trường yêu cầu cao như Nga, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Anh…
Điển hình sản phẩm bưởi da xanh Phước Bình (được cấp mã số vùng trồng với diện tích 23 ha) đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định của thị trường Hoa Kỳ và đã được APHIS (Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ) phê duyệt kết quả.
Ông Nguyễn Đình Trí, chủ cơ sở Vườn nho Trí Hà ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, cho biết gia đình có trồng các loại nho như nho xanh, nho NH-01.152, nho ngón tay đen, nho mẫu đơn trong nhà màng theo hướng hữu cơ.
Thực tế, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, 1 kg nho xanh chỉ bán với giá từ 40.000-50.000 đồng, nho NH-01.152 bán từ 130.000-150.000 đồng/kg và rất ít người biết đến sản phẩm nho của vườn.
Năm 2023 vừa qua, 1ha nho xanh của gia đình đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp mã số vùng trồng. Theo đó việc sản xuất nho được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm và đặc biệt Vườn nho Trí Hà thường xuyên đón các lượt du khách đến tham quan, mua nho tươi tại vườn.
Bên cạnh đó, thị trường và khách hàng trong nước đã biết đến nhiều hơn đến thương hiệu nho Trí Hà và đặt mua hàng qua online. Vui hơn nữa là giá nho xanh nay đã tăng lên khoảng 80.000 đồng/kg, các loại nho khác giá cũng được nâng lên từ 40.000-50.000 đồng/kg như nho NH-01.152 hay nho ngón tay đen, ông Trí chia sẻ.
Được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Cục Trồng trọt, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh việc xúc tiến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù, tạo thế mạnh trong việc cạnh tranh; khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến nông sản phát triển; xây dựng một số cơ chế, chính sách mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, sản xuất các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến việc cấp và quản lý vùng trồng cho các tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các nông hộ tham gia sản xuất trên địa bàn tỉnh đúng theo kế hoạch, ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực như nho, táo, măng tây xanh, hành tím, tỏi, bưởi da xanh và nha đam… để phục vụ liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Ông Phạm Dũng cho hay ngoài các mã số đã được cấp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn 2 hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn đề nghị cấp mã số vùng trồng (1 hồ sơ chuối của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Đại Nông với 14ha và 1 hồ sơ xoài của Công ty DRAGON FOODS với 12ha). Đồng thời đang tiếp tục hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hướng dẫn thiết lập vùng trồng, lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp mã số vùng trồng. Xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền các nội dung liên quan đến cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Chi cục sẽ xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát và tập huấn tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh.
Song song đó tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị hàng nông sản và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh, đáp ứng các điều kiện và quy định để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Á, Âu./.