Cảnh sát Anh và Đức hợp tác chống hooligan trước trận Anh-Serbia
Cảnh sát thành phố Gelsenkirchen ước tính khoảng 500 hooligan Serbia có thể sẽ tới xem trận đấu, làm dấy lên lo ngại về khả năng lặp lại vụ tấn công bạo lực nhằm vào người hâm mộ Anh tại EURO 2016.
Cảnh sát Anh đang hợp tác với các đối tác Đức nhằm đảm bảo sẽ có EURO 2024 an toàn cho các cổ động viên Anh giữa những lo ngại cho rằng các hooligan (côn đồ bóng đá) Serbia đang nhằm vào trận đấu giữa hai bên diễn ra ở thành phố Gelsenkirchen, Đức, trong ngày 16/6.
Đội tuyển Anh và Đội tuyển Serbia sẽ mở màn Bảng C và được coi là trận đấu có rủi ro cao nhất trong mùa giải EURO năm nay, khi có khoảng 20.000 người hâm mộ Anh và 10.000 cổ động viên Serbia sẽ tới sân Gelsenkirchen để cổ vũ.
Cảnh sát thành phố Gelsenkirchen ước tính khoảng 500 hooligan Serbia có thể sẽ tới xem trận đấu này, làm dấy lên lo ngại về khả năng lặp lại vụ tấn công bạo lực nhằm vào người hâm mộ Anh tại EURO 2016.
Ngoài ra, việc trận đấu giữa Anh và Serbia là trận đấu duy nhất trong giải đấu năm nay được phép phục vụ bia có nồng độ cồn thấp cũng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra các vụ ẩu đả hoặc xô xát giữa các cổ động viên hai đội.
Vì thế, cảnh sát Anh cho biết đang hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Đức để đảm bảo một giải đấu EURO an toàn và không có rắc rối cho người hâm mộ Đội tuyển Anh. Dự kiến sẽ có khoảng 300.000 cổ động viên Anh tới Đức trong thời gian diễn ra giải đấu và cảnh sát Anh đã áp đặt lệnh cấm đối với khoảng 2.000 cổ động viên quá khích của nước này.
Từ tối 14/6, nhiều người hâm mộ Đội tuyển Anh đã bắt đầu tụ tập tại một quán bar ở Heinrich-Konig-Platz thuộc trung tâm thành phố Gelsenkirchen.
Để đảm bảo an toàn cho trận đấu Anh-Serbia, cảnh sát Đức đã lên kế hoạch triển khai lực lượng nhân sự nhiều hơn thông thường, đồng thời liên hệ chặt chẽ với chính quyền hai nước để trao đổi thông tin về các sự kiện gây rối.
Trong khi đó, ban tổ chức trận đấu ở Gelsenkirchen cũng đưa ra các phương án để bảo vệ các cổ động viên trên sân. Theo đó, những ai cảm thấy “không an toàn” hoặc “bị đe dọa” có thể dùng mật khẩu “Panama” để nói với cảnh sát hoặc các nhân viên phục vụ giải đấu.
Họ sẽ được đưa tới địa điểm an toàn và nhóm Panama sẽ được kích hoạt, Đây là nhóm gồm các thành viên biết nhiều ngôn ngữ và đa ngành, được đào tạo về can thiệp khủng hoảng và giảm căng thẳng.
Giám đốc Dự án Euro 2024 tại Gelsenkirchen, Wilhelm Wessels, cho biết tất cả các lực lượng thực thi pháp luật từ cứu hỏa, cảnh sát, lực lượng giữ trật tự công cộng đến nhân sự phục vụ EURO 2024 đều nắm vững quy định Panama và có thể ứng phó phù hợp.
Ngoài ra, một cơ chế tương tự Panama cũng đã được áp dụng tại một số trận đấu tại Giải Bundesliga và các lễ hội âm nhạc lớn ở Đức. Từ “Panama” bắt nguồn từ câu chuyện thiếu nhi nổi tiếng của Đức về đôi bạn hổ và gấu tìm đường đến Panama./.