Cảnh báo siêu động đất làm chậm tăng trưởng kinh tế Nhật Bản

Cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất hồi tháng Tám và hệ lụy từ cơn bão Shanshan đã khiến GDP của Nhật Bản trong quý 3 (từ tháng Bảy đến tháng Chín) chỉ tăng thêm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cảnh báo của Chính phủ Nhật Bản về nguy cơ xảy ra siêu động đất dọc bờ biển Thái Bình Dương đã chính thức chấm dứt chiều 15/8, sau khi cơ quan khí tượng nước này xác nhận không có hoạt động địa chấn mới nào xung quanh Rãnh Nankai. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo số liệu chính thức công bố ngày 15/11, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng chậm lại trong quý 3/2024 do những cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất làm ảnh hưởng đến hiệu suất kinh tế.

Số liệu được công bố tại thời điểm Thủ tướng Shigeru Ishiba đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Báo cáo cho biết cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất hồi tháng Tám và hệ lụy từ cơn bão Shanshan - một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất trong hàng chục năm - đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý 3 (từ tháng Bảy đến tháng Chín) chỉ tăng thêm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu này đáp ứng kỳ vọng của thị trường nhưng đà tăng đã chậm lại so với mức 0,5% ghi nhận trong quý trước đó.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết chính phủ nước này kỳ vọng, thông qua các chính sách kinh tế và tài chính, nền kinh tế sẽ dần hồi phục sau nhiều năm trì trệ và giảm phát. Cũng theo ông Hayashi, Nhật Bản đang cân nhắc đưa ra gói kích thích kinh tế.

Trước đó, sau khi xảy ra động có độ lớn 7,1 làm rung chuyển vùng Tây Nam Nhật Bản hôm 8/8, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã lần đầu tiên sau hàng chục năm, phát đi cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất xung quanh rãnh Nankai, rãnh ngầm chạy dọc bờ biển Thái Bình Dương.

Theo cơ quan này, trong kịch bản xấu nhất, siêu động đất có thể làm rung chuyển khu vực rộng lớn từ Kanto đến Kyushu, gây sóng thần nhấn chìm các vùng ven biển từ Kanto đến Okinawa và số người thiệt mạng có thể lên đến 323.000 người.

Cảnh báo này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch ở nước này.

Trong khi đó, bão Shanshan làm gián đoạn sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường sắt và đường không.

Ông Stefan Angrick, nhà kinh tế học của Moody's Analytics, gọi những thách thức mà Nhật Bản đang phải đối mặt là "đáng kể," đặc biệt khi nước Mỹ sắp có chủ nhân Nhà Trắng mới với những điều khó đoán định cho thương mại toàn cầu.

Ông Angrick cho rằng mức tăng tiền lương ở Nhật Bản dù đã cải thiện nhưng chưa đủ mạnh để theo kịp lạm phát, gây căng thẳng tài chính cho các hộ gia đình. Ngoài ra, nhu cầu bên ngoài yếu và các vấn đề về sản xuất trong nước sẽ gây sức ép lên xuất khẩu.

Trong khi đó, đồng yen tiếp tục trượt giá so với đồng USD có thể khiến Ngân hàng Nhật Bản phải tăng lãi suất trước cuối năm nay dù cho các dữ liệu chưa mấy khả quan./.