Cảnh báo người mắc bệnh trĩ ngày càng trẻ hóa do lối sống hiện đại
Phó giáo sư Lê Mạnh Cường cho biết nếu trước đây nhóm tuổi phổ biến mắc bệnh trĩ là ngoài 30, thì hiện rất nhiều người trẻ, mới 17-18 tuổi, thậm chí có những bệnh nhân mới 14-15 tuổi mắc căn bệnh này.
Ở Việt Nam, số người mắc bệnh trĩ chiếm khoảng 30-40% dân số. Điều đáng nói là gần đây tỷ lệ người trẻ mắc bệnh trĩ thời gian gần đây ngày càng nhiều, nhất là ở khối văn phòng và những người thường xuyên sử dụng rượu bia và “nghiện” điện thoại.
Phát biểu tại Hội nghị về chuyển giao kỹ thuật điều trị trĩ bằng sóng cao tần diễn ra ngày 23/4, tại Hà Nội, Phó giáo sư Lê Mạnh Cường - Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam nhấn mạnh nếu như trước đây bệnh trĩ thường xuất hiện ở người trung niên do đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng giảm, do môi trường ngồi nhiều hoặc ít vận động thì giờ đây, bệnh trĩ đang ngày càng “trẻ hóa”. Đây là hồi chuông cảnh báo về lối sống phi khoa học của nhiều bạn trẻ ngày nay.
Phó giáo sư Lê Mạnh Cường dẫn chứng trước đây nhóm tuổi phổ biến mắc căn bệnh này là ngoài 30, thì hiện rất nhiều người trẻ, mới 17-18 tuổi, thậm chí có những bệnh nhân mới 14-15 tuổi mắc căn bệnh này.
Nguyên nhân là do lối sống hiện đại, nhiều người trẻ thường có thói quen ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng đồ uống có gas, rượu bia... Đặc biệt, qua khai thác tiền sử của các bạn trẻ mắc bệnh, hầu hết các bệnh nhân này sử dụng điện thoại rất nhiều. Có trẻ mang điện thoại, ipad vào nhà vệ sinh cả tiếng ngồi rất có hại cho sức khỏe. Bởi thói quen sử dụng điện thoại và đọc sách báo khi đi đại tiện, làm quá trình đại tiện diễn ra lâu cũng làm tăng áp lực lên hậu môn.
Để phòng ngừa bệnh trĩ, theo các bác sĩ, mỗi người có thể kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý; uống nhiều nước, ăn thức ăn có nhiều chất xơ, hạn chế ăn đồ cay nóng, cafe, rượu bia... Ngoài ra, mỗi người nên tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm, nên tăng cường các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ…
Khi có các dấu hiệu bị trĩ, bệnh nhân nên đi khám nhằm loại trừ ung thư đại tràng hay ung thư trực tràng tiềm ẩn. Để đạt hiệu quả điều trị trĩ triệt để và tốt nhất, trước hết, người bệnh cần được nội soi và tìm nguyên nhân bệnh trĩ do đâu. Ở giai đoạn 1 và 2 của bệnh trĩ, người bệnh nên dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để bệnh không tái phát và tiến triển.
Theo Phó giáo sư Cường, với các phương pháp điều trị trĩ, hiện kết hợp y học cổ truyền và hiện đại điều trị mang lại nhiều hiệu quả.
Tại hội nghị, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần (RFA) bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam. Đây là kỹ thuật đốt sóng cao tần dùng nhiệt gây đông đặc làm tắc mạch nuôi, quá trình này làm búi trĩ teo nhỏ và xơ hoá. Phương pháp ít xâm lấn này làm giảm thiểu các biến chứng, sự đau đớn và thời gian hồi phục. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ định điều trị với người mắc trĩ giai đoạn nặng (giai đoạn 3,4), hoặc điều trị bằng phương pháp khác như không mang lại hiệu quả
Hiện nay, phương pháp điều trị bằng sóng cao tần được sử dụng phổ biến trên thế giới, điều trị nhiều loại bệnh khác như từ u gan, u phổi, u thận, u xương, u phần mềm, u tuyến giáp, u tuyến tiền liệt. Sóng cao tần cũng được ứng dụng điều trị bệnh trĩ./.