Căng thẳng tại Trung Đông đẩy giá dầu hướng đến mức tăng kỷ lục
Chốt phiên giao dịch tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,9%, lên 74,38 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,6% lên 78,05 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đã tăng trong phiên ngày 4/10 và hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất trong hơn một năm do nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông ngày càng tăng.
Tuy vậy, đà tăng của dầu đã bị hạn chế sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khuyến cáo Israel không nên thực hiện các hành động quân sự nhắm vào những cơ sở dầu mỏ của Iran.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 43 xu (0,6%) lên 78,05 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 67 xu (0,9%) lên 74,38 USD/thùng.
Nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng này là căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran. Sau khi thủ lĩnh lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn bị ám sát vào tuần trước, Israel đã bị tấn công bằng tên lửa vào ngày 1/10. Sự việc đã khiến các nhà phân tích dầu mỏ cảnh báo khách hàng về nguy cơ chiến tranh bùng nổ trên diện rộng ở Trung Đông.
Trong phiên này, giá dầu đã có lúc tăng vọt gần 2%, nhưng sau đó nhanh chóng giảm nhiệt sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rằng nếu ở vị thế của Israel, ông sẽ cân nhắc các giải pháp thay thế cho việc thực hiện những hành động quân sự nhắm vào các mỏ dầu của Iran.
Trước đó, vào ngày 3/10, giá dầu thế giới đã tăng vọt hơn 5% sau khi ông Biden xác nhận Mỹ đang đàm phán với Israel về việc liệu có xảy ra một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran hay không.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng hơn 8%, mức tăng mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 1/2023. Còn giá dầu WTI tăng 9,1%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023.
Các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng JPMorgan nhận định Israel sẽ không lựa chọn thực hiện hành động quân sự nhắm vào các cơ sở năng lượng của Iran. Tuy nhiên, mức dự trữ dầu toàn cầu thấp cho thấy giá sẽ tiếp tục tăng cho đến khi xung đột được giải quyết.
Dẫn dữ liệu từ dịch vụ theo dõi tàu biển Kpler, JPMorgan cho biết lượng dầu tồn kho hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm giá dầu Brent giao dịch ở mức 92 USD/thùng. Với mức 4,4 tỷ thùng, đây là mức dự trữ thấp kỷ lục.
Công ty dịch vụ tài chính StoneX (Mỹ) dự báo giá dầu có thể tăng từ 3-5 USD/thùng nếu cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran bị tấn công.
Trong một diễn biến khác, hãng tin SNN của Iran dẫn lời Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Ali Fadavi cho biết Tehran sẽ có động thái đáp trả nhắm vào các cơ sở năng lượng và khí đốt của Israel nếu Tel Aviv có hành động quân sự đối với nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi khẳng định Tehran ủng hộ các nỗ lực đạt được một lệnh ngừng bắn ở Liban với điều kiện văn kiện này phải được lực lượng Hezbollah chấp thuận và được thực hiện đồng thời với lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Iran là thành viên của OPEC+ (gồm Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh), với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, tương đương 3% sản lượng toàn cầu.
Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad (Na Uy) cho biết công suất sản xuất dự phòng của OPEC+ sẽ cho phép các thành viên khác tăng sản lượng nếu nguồn cung của Iran bị gián đoạn, qua đó hạn chế đà tăng của giá dầu.
Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung từ Libya đã giảm bớt sau khi chính quyền nước này và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC) có trụ sở tại Tripoli ngày 3/10 thông báo sẽ mở cửa trở lại tất cả các mỏ dầu và cảng xuất khẩu sau khi giải quyết xong tranh chấp về quyền điều hành ngân hàng trung ương.
Thị trường dầu trong tuần qua đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi tâm lý lo ngại về nguồn cung do leo thang xung đột Israel-Iran.
Trong phiên đầu tuần 30/9, giá dầu mặc dù không biến động nhiều, song đã giảm khoảng 17% trong quý 3/2024 do những lo ngại về nhu cầu toàn cầu đang yếu đã lấn át nỗi lo cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông có thể hạn chế nguồn cung dầu thô.
Sang đến phiên 1/10, giá dầu đảo chiều tăng vọt hơn 3% ngay sau thông tin Israel bị tấn công bằng tên lửa. Tâm lý lo ngại về gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là khả năng Israel thực hiện hành động đáp trả nhắm vào cơ sở dầu mỏ của Iran, đã chi phối thị trường.
Sau đó, đà tăng của giá dầu đã chững lại trong phiên 2/10 do báo cáo dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh. Tuy nhiên, giá vẫn giữ được mốc tăng nhẹ do lo ngại về xung đột leo thang và khả năng Mỹ can thiệp.
Thị trường dầu đang trong giai đoạn khá nhạy cảm, biến động mạnh theo diễn biến xung đột Trung Đông. Tâm lý lo ngại về nguồn cung đang là yếu tố chi phối thị trường, lấn át các thông tin về nhu cầu và dự trữ./.