Cần Thơ: Nhiều cơ sở y tế thiếu cục bộ thuốc, hóa chất, vật tư y tế

Hệ thống y tế Cần Thơ phải chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên mức độ ảnh hưởng từ việc thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế khá nghiêm trọng và bức thiết.

Ông Nguyễn Trọng Khoa phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 25/8, tại Cần Thơ, Đoàn công tác Bộ Y tế do ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế làm Trưởng đoàn, đã làm việc với một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố về tình hình cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế.

Đoàn ghi nhận tại Cần Thơ có hiện tượng thiếu cục bộ thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế.

Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có hiện tượng cung ứng không đầy đủ một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bên cạnh lý do lượng bệnh nhân từ các nơi đổ về Cần Thơ khám chữa bệnh tăng đột biến kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” làm ảnh hưởng đến kế hoạch dự trữ, mua sắm thuốc của các đơn vị, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra khiến các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm.

Thực tế cho thấy, dù Sở Y tế đã cùng với Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện phân cấp, phân quyền mua sắm, các đơn vị được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng các cơ sở y tế vẫn không dám thực hiện.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp.

[Nghiên cứu kiến nghị của chuyên gia về tình hình thiếu thuốc]

Bên cạnh đó, việc chậm thầu còn do một số giấy đăng ký thuốc hết hạn; việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia chậm có kết quả. Điều này khiến bệnh viện phải sử dụng hết lượng dự trữ và tự mua, dẫn tới không chủ động được số lượng và thời gian mua.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Sở Y tế thành phố Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế cần hoàn thiện khung pháp lý về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Việc mua sắm hóa chất, vật tư y tế gặp nhiều khó khăn như không có đủ 3 báo giá theo quy định; một số vật tư đăng ký là trang thiết bị không có thông tin công khai giá trên cổng thông tin theo quy định của Chính phủ.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Việc xác định giá kế hoạch và xét giá cũng gặp nhiều khó khăn, nếu căn cứ trên báo giá, giá cả thị trường cũng không đủ cơ sở pháp lý. Nếu căn cứ giá công khai hoặc giá theo chứng thư thẩm định giá cũng có thể vi phạm do giá cao hơn thực tế.

Về việc mua sắm thuốc, hiện có tình trạng một số loại thuốc không có nhà thầu dự, mặc dù đã thực hiện quy trình đấu thầu rộng rãi. Điều này là do giá trị mời thầu thấp, số lượng ít…

Đối với thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Sở Y tế đề nghị xem xét thành lập đơn vị mua sắm tập trung, phụ trách thực hiện công tác mua sắm các loại hàng hóa bao gồm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế vì khối lượng cần mua sắm rất lớn.

Việc thành lập đơn vị mua sắm tập trung còn giúp các cơ sở y tế tập trung toàn lực vào công tác chuyên môn khám chữa bệnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, các kiến nghị của ngành y tế thành phố Cần Thơ đều là những vướng mắc chung mà nhiều địa phương hiện đang phải đối mặt.

Tuy vậy, do là thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống y tế phải chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên mức độ ảnh hưởng Cần Thơ gặp phải cũng nghiêm trọng và bức thiết hơn.

Đoàn công tác sẽ tổng hợp kiến nghị của ngành y tế Cần Thơ để trình các cấp có thẩm quyền. Đây cũng là cơ sở để Bộ Y tế kiến nghị Trung ương điều chỉnh một số điều trong các luật về mua sắm thuốc, vật tư y tế hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Khoa cũng yêu cầu các đơn vị cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, không nên có tâm lý e sợ và né tránh, làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và quyền lợi của bệnh nhân.

Thành phố Cần Thơ hiện có 13 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thực hiện được các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu hoạt động khám, chữa bệnh tuyến thành phố.

Ở tuyến quận, huyện có 3 bệnh viện và 5 Trung tâm y tế tham gia khám, chữa bệnh. Tuyến xã, phường có 80 trạm y tế tổ chức khám, chữa bệnh. Ngoài ra trên địa bàn có 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành và 7 bệnh viện ngoài công lập./.

Ánh Tuyết (TTXVN/Vietnam+)