Cần Thơ: Nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cá rôphi

Quý 1 vừa qua tổng kim ngạch xuất khẩu cá rôphi của Việt Nam gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 46% và thị trường Nga chiếm 13%.

Ngày 17/4, Cục Thủy sản và Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo giải pháp tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rôphi năm 2025.

Quý 1 vừa qua tổng kim ngạch xuất khẩu cá rôphi của Việt Nam gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 46% và thị trường Nga chiếm 13% với gần 1,8 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu mặt hàng cá rôphi. Tính đến năm 2024, top 5 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu cá rôphi hàng đầu thế giới là Indonesia, Colombia, Trung Quốc, Brazil và Đài Loan (Trung Quốc).

Một số quốc gia châu Phi, châu Á đều đang nổi lên các thị trường có số lượng nuôi hấp dẫn. Điều này cho thấy rất nhiều các quốc gia, khu vực trên thế giới có đóng góp vào danh mục số lượng tăng trưởng của mặt hàng cá rôphi toàn cầu.

Khoảng 4-5 năm vừa qua, Trung Quốc có xu hướng giảm một phần xuất khẩu cá rô phi nhưng sản xuất thì tăng lên. Các khu vực trên thế giới khi có diện tích mặt nước và phù hợp với mặt hàng cá rôphi đều đang có sự tham gia vào thị trường này, đặc biệt là sự tham gia của Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực Nam Mỹ.

Hiện nay, Hoa Kỳ nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu cá rôphi trên thế giới. Nếu thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với mặt hàng thủy sản của Trung Quốc tăng lên 245%, cá rôphi sẽ được Trung Quốc tiêu thụ nội địa, hoặc đưa sang các thị trường khác. Điều đó tạo nên một số thách thức cho Trung Quốc: thuế quan, các quy định về môi trường, chi phí sản xuất.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, hai khu vực sản xuất cá rôphi lớn của Trung Quốc có quy định các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu chỉ được phép mua ở những trang trại có chứng nhận. Nếu không có hoặc chưa có thì xem như không được tiêu thụ cho mục đích xuất khẩu. Ngoài thuế đối ứng từ Hoa Kỳ áp lên mặt hàng thủy sản Trung Quốc, lệnh cấm này là một áp lực nữa với Trung Quốc trong xuất khẩu cá rôphi.

"Với diễn biến này, giá cá rôphi dự báo sẽ giảm trong ngắn hạn và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, gây áp lực đối với các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam," ông Hoài Nam đánh giá.

Thu hoạch cá rôphi nuôi lồng trên hồ. (Ảnh: TTXVN phát)

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định: cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cá rôphi Việt Nam còn khá nhiều. Áp lực từ nguồn cung ở Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường.

Trong 2 năm qua, sản lượng mặt hàng cá rôphi lên đến 7 triệu tấn (năm 2024) trên toàn cầu. Theo dự báo thị phần cá rôphi trên thế giới có thể khoảng 14,5 tỷ USD vào năm 2033. Nhiều nhận định, phân tích của các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Việt Nam còn nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển ngành hàng cá rôphi xuất khẩu. Vấn đề cần làm hiện nay là đa dạng hóa thị trường, tiếp tục khơi thông tiềm năng diện tích mặt nước để phát triển sản xuất.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, trong Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cá rôphi là một trong những đối tượng tiềm năng được khuyến khích phát triển và ngành thủy sản mong muốn phát triển không chỉ nuôi ao mà còn khai thác được các vùng hồ chứa.

Ông Trần Đình Luân nhận định mặc dù, những năm gần đây Việt Nam có nhiều tín hiệu tốt về xuất khẩu cá rôphi, diện tích nuôi tăng lên, sản lượng nuôi trên 310.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ngành hàng cá rôphi cũng nhiều thăng trầm. Vì vậy, các bên liên quan cần tìm hướng phối hợp khai thác được tiềm năng, lợi thế của ngành hàng cá rôphi bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.

"Nếu không đa dạng được thì hiện nay với những quy định mới về thuế quan và cạnh tranh trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu cá rô phi Việt Nam chỉ tập trung 1-2 mặt hàng, không chế biến sâu, có lẽ sức cạnh tranh của ngành hàng rất yếu," ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Để làm được điều này, đòi hỏi các bên liên quan từ người nuôi đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tính toán liên kết, xây dựng được thương hiệu cá rôphi Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường.

Từng có kinh nghiệm nuôi cá rôphi và hiện là nhà cung cấp thức ăn cho các hộ, vùng nuôi cá rô phi ở Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nông Lâm Vina, cho biết điều khó khăn nhất hiện nay đối với người nuôi cá rôphi là đầu ra.

Ông Phạm Thành Trung muốn lãnh đạo địa phương, ngành nông nghiệp, các nhà máy chế biến tìm đầu ra cho người nuôi cá rôphi; làm thế nào để có được mối liên kết giữa ao nuôi với nhà máy chế biến, tạo ra chuỗi cung ứng tốt. "Nếu nhà quản lý không tìm hướng đi chung, liên kết giữa vùng nuôi với nhà chế biến thì người nông dân chỉ nuôi và bán nhỏ lẻ," ông Phạm Thành Trung chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Luân khẳng định, để nâng cao sức cạnh tranh cần tổ chức lại khâu liên kết, sản xuất. Không tạo được liên kết, tiêu chuẩn nuôi thì không bao giờ xây đựng được thương hiệu cá rôphi Việt Nam (v-tilapia). Bước đầu sẽ thực hiện ở những vùng nào nhà máy liên kết được hợp tác xã nuôi cá rôphi nào đủ chuẩn xuất khẩu thì làm chắc vùng đó. Tại vùng nuôi sẽ đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân vùng nuôi (giảm chi phí nuôi, tăng tỷ lệ sống,...). Sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng./.