Cần Thơ mời gọi doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Cần Thơ cần các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ và đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ mới để sản xuất giống vật nuôi cây trồng; cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản sau thu hoạch...

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Chiều 7/9, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và các sở, ngành liên quan làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam do Phó Đại sứ Christoph Prommersberger làm trưởng đoàn.

Hai bên cùng trao đổi, thảo luận về phương hướng hợp tác đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại thành phố Cần Thơ.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, ngoài cơ chế chính sách được Quốc hội ban hành, thành phố Cần Thơ đang cần các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ và đầu tư vào nông nghiệp ở các lĩnh vực: công nghệ mới để sản xuất giống vật nuôi cây trồng; cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; công nghệ chế biến nông sản thủy sản để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao; ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp.

Cần Thơ cần doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào hệ thống dịch vụ logistics phục vụ sản xuất chế biến thương mại nông sản cho toàn vùng; hỗ trợ kết nối thị trường quốc tế để phát triển chuỗi hàng hóa nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn vùng nguyên liệu các địa phương với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Ông Dương Tấn Hiển cũng cho biết ngoài các chính sách ưu đãi khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ cũng đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản, thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

[Việt Nam-Hà Lan đẩy mạnh hợp tác phát triển thủy sản bền vững]

Trước sự quan tâm, tìm hiểu của các doanh nghiệp Hà Lan về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết hiện nay, Cần Thơ đã nhận được thông tin từ 4 nhà đầu tư sơ cấp quan tâm đến dự án và đang lên kế hoạch triển khai đầu tư.

Sau khi có Quyết định phê duyệt của Chính phủ, địa phương sẽ đăng tải thông tin công khai mời gọi đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư. Riêng nhà đầu tư thứ cấp không phải đấu thầu. Tuy nhiên, thành phố sẽ xem xét ưu tiên cho nhà đầu tư có kỹ thuật, kinh nghiệm và công nghệ mới. Nhà đầu tư thứ cấp và sơ cấp đều được hưởng ưu đãi như nhau.

Ngoài những đóng góp của các chuyên gia Hà Lan góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập Trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến mục tiêu chinh phục sâu và rộng thị trường quốc tế, Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan Christoph Prommersberger cũng mời gọi Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức đoàn công tác đến thăm, tìm hiểu thực tế các mô hình trung tâm liên kết sản xuất, chế biến nông sản tại Vương quốc Hà Lan để có cái nhìn rõ hơn về mô hình này; đồng thời kết nối, mời gọi thêm các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Lan đầu tư, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Cần Thơ, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ có quy mô đến năm 2050 là 3.300ha, nằm trên địa bàn phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền); trong đó giai đoạn 1 của Trung tâm sẽ được triển khai trên diện tích 450ha.

Theo đề án, đến năm 2025, Trung tâm sẽ được hình thành với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng các công nghệ bảo quản, phát triển chuỗi lạnh, đầu tư hệ thống vận chuyển, hậu cần nhanh chóng và thuận tiện; xây dựng các trung tâm một cửa kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng hàng hóa và được công nhận tương đương với các nước nhập khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch dưa được trồng trong nhà lưới. (Ảnh minh họa. Vũ Sinh/TTXVN)

Trung tâm cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ cao vào giới thiệu, xây dựng mô hình mẫu và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp trong toàn vùng; đồng thời, xây dựng được mô hình tiêu thụ nông sản tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ số cho một số nông sản, thủy sản phổ biến nhất của cả vùng; hình thành những phân khu hạt nhân của Trung tâm như phân khu sản xuất, phân khu chế biến, phân khu tiêu thụ và xuất khẩu và khu phi thuế quan.

Đến năm 2030, Trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản cho vùng với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Trung tâm trở thành hạt nhân đô thị sân bay với công nghệ thông minh-đầu mối của chuỗi các "trung tâm sản xuất-chế biến-tiêu thụ thông minh" toàn vùng (có khoảng 50-70% các quy trình sản xuất tự động thông minh)./.

Thu Hiền (TTXVN/Vietnam+)