Cần Thơ: Dự án đường vành đai 3.800 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 18,5%
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết năm 2024 dự án đường Vành đai phía Tây được giao kế hoạch vốn 310 tỷ đồng, đến ngày 22/10 mới giải ngân được hơn 57,4 tỷ đồng, đạt 18,54%.
Được phân bổ kế hoạch vốn hơn 300 tỷ đồng trong năm 2024 nhưng đến gần cuối tháng 10, dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ mới giải ngân được hơn 18,5%.
Thông tin trên được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết tại cuộc họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương và dự án đầu tư xây dựng do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức chiều 28/10.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, năm 2024 dự án đường Vành đai phía Tây được giao kế hoạch vốn 310 tỷ đồng. Đến ngày 22/10 giải ngân được hơn 57,4 tỷ đồng, đạt 18,54%.
Phần lớn các dự án đều dựa trên tình hình thực hiện thực tế đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 và thực hiện theo kế hoạch và tiến độ do chủ đầu tư đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh các dự án có tiến độ giải ngân đạt và vượt kế hoạch thì vẫn còn một số dự án đang thực hiện chậm so với kế hoạch điển hình như Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C); dự án Sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc tại số 01, đường Quang Trung, phường Tân An, quận Ninh Kiều.
Đối với dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C), lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng đạt 54% và đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt khoảng 50%, đã thực hiện giao thầu được 4 gói trên tổng số 7 gói thầu xây lắp.
Hiện nay, dự án đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án sẽ tiến hành thực hiện 3 gói thầu xây lắp còn lại của dự án.
Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ nói do phải mất thời gian cho gói thầu thí nghiệm phần móng, cọc của các hạng mục cầu.
Gói thầu này chưa hoàn thành thì không thể tiến hành các bước tiếp theo. Đến tháng 7/2024 gói thầu này mới được triển khai thực hiện và hiện Sở Giao thông vận tải đang chỉ đạo nhà thầu, đơn vị thi công thí nghiệm đến đâu thì nghiệm thu khối lượng đến đó để triển khai các hạng mục kế tiếp.
Bên cạnh đó, thiếu cát vẫn là khó khăn lớn của dự án này. Ông Nguyễn Hoàng Tùng cho biết, giá cát tăng cao thời gian qua và nguồn cung cũng khan hiếm.
Dự án cũng nhận được một khối lượng cát từ các nguồn cung khác nhưng qua kiểm định chất lượng không đảm bảo nên chủ đầu tư phải trả lại cho đơn vị cung cấp.
"Qua rà soát thì mỏ cát bị nhiễm mặn nên không thể đưa vào vì các dự án trên địa bàn Cần Thơ vẫn chưa được cấp phép sử dụng cát nhiễm mặn," Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ nói.
Ngoài ra, dự án Đường vành đai phía Tây vẫn còn một số vị trí chưa giải phóng được mặt bằng. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển đề nghị các sở, ngành và quận, huyện phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng.
Theo ông Hiển, đầu tư công sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và từ đầu tư công sẽ thu hút các dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư xã hội tăng lên.
“Đường xá, trường học, bệnh viện còn thiếu nhưng nguồn vốn chỉ có 8 tỷ, thật sự chưa đáp ứng, nhưng chúng ta cũng không giải ngân hết thì có lỗi với người dân, có lỗi với xã hội, ”Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ lưu ý và đề nghị làm sao phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công đúng theo quy định pháp luật.
Đánh giá về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các quận, huyện, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ lo ngại tiến độ giải ngân của quận Cái Răng khó có khả năng đạt 95% trong năm nay. Do đó, ông Dương Tấn Hiển đề nghị các chủ đầu tư cần có giải pháp tích cực hơn, cần đi sâu vào từng dự án để tháo gỡ khó khăn và gợi ý các giải pháp căn cơ…
Đối với các dự án cụ thể như dự án đường Vành đai phía Tây, ông Dương Tấn Hiển đề nghị phải giải quyết dứt điểm một trường hợp ở quận Bình Thủy trong tuần này; 3 hộ dân trên quận Ô Môn cũng phải giải quyết dứt điểm trong tháng 11.
Đối với các dự án còn vướng về giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị địa phương cần phải có giải pháp để người dân hiểu và đồng thuận với dự án. Đồng thời, quận tính toán lại tiến độ và phân bổ vốn các dự án, có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân thành phố.
Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C) được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 17/11/2022.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.838 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.838 tỷ đồng); trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng… Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện từ năm 2021-2026. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 1.243 trường hợp, trong đó có 464 trường hợp cần bố trí tái định cư.
Theo thiết kế, tuyến đường vành đai phía Tây có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào Quốc lộ 61C.
Toàn tuyến dài 19,3km, mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế 50-60km/giờ... với 25 cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.
Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2026./.