Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhi bị dị dạng mạch máu não phức tạp hiếm gặp
Sau 5 ngày điều trị Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, bệnh nhi H.Đ.P bị dị dạng mạch máu não phức tạp hiếm gặp, được ra viện với sức khỏe ổn định, không còn triệu chứng, không để lại di chứng.
Bệnh nhi H.Đ.P, nam, 8 tuổi, trú tại tỉnh Bạc Liêu, nhập viện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ ngày 5/9 vừa qua trong tình trạng đau đầu và nôn ói liên tục.
Bệnh nhi được chỉ định chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA. Kết quả ghi nhận bé P. có khối dị dạng thông động tĩnh mạch vùng thái dương đỉnh bên trái phức tạp hiếm gặp, dọa vỡ, nguy cơ tử vong cao.
Ngay lập tức êkíp các bác sỹ liên chuyên khoa của Bệnh viện quyết định can thiệp nội mạch, dùng keo bơm tắc động mạch nhằm giảm lượng máu nuôi khối dị dạng.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi đã được ra viện với sức khỏe ổn định, không còn triệu chứng và không để lại di chứng.
Bác sỹ Dương Hoàng Linh, đơn vị can thiệp DSA, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết dị dạng mạch máu não (AVM) là trường hợp động mạch và tĩnh mạch trong não nối trực tiếp với nhau không thông qua mao mạch, tạo thành một mạng lưới mạch máu phức tạp. Tỷ lệ mắc bệnh này rất hiếm, ước tính chỉ có khoảng 1% dân số mắc phải. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dị dạng mạch máu não có thể xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến di truyền, đột biến gene và quá trình tạo mạch máu mới từ các mạch máu hiện có; hoặc xuất phát từ các vấn đề thiếu máu cục bộ, xuất huyết não dẫn tới sự phát triển của các mạch máu dị dạng.
Bệnh xuất hiện ở mọi đối tượng, tuy nhiên một số nhóm có nguy cơ cao mắc dị dạng mạch máu não gồm nhóm đối tượng từ 10-40 mắc bệnh càng sớm càng có nguy cơ làm hỏng mô não theo thời gian; gia đình từng có người mắc bệnh (di truyền); những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch; những người đã từng bị đột quỵ hoặc các vấn đề về tuần hoàn máu.
Bác sỹ Dương Hoàng Linh khuyến cáo do dị dạng mạch máu não thường là bệnh bẩm sinh nên không có biện pháp phòng ngừa bệnh triệt để. Vì thế, khi bản thân hoặc người thân xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, dù đơn giản, như đau đầu, chóng mặt,… cũng cần đi khám để sớm phát hiện các bệnh lý liên quan.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý khi thấy có các dấu hiệu co giật, động kinh; khó phối hợp chân tay, yếu cơ; cảm giác bất thường như tê liệt, ngứa ran, đau tự phát; khó khăn về giao tiếp như chứng mất ngôn ngữ; giảm thị lực; suy giảm trí nhớ như nhầm lẫn, mất trí nhớ hay ảo giác… ở bệnh nhi có thể gặp chứng suy tim, chứng đầu to, tĩnh mạch da đầu nổi rõ./.