Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do dị dạng mạch máu ruột non hiếm gặp

Theo các bác sỹ, đặc điểm lâm sàng của chảy máu ruột non là chảy máu nhiều đợt, thường tự ngưng nhưng dễ tái diễn, do đó khó chẩn đoán và khó điều trị.

Sức khỏe bệnh nhân nữ N.T.L đã ổn định sau phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 18/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sỹ nhiều chuyên khoa đã phối hợp cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa từ ruột non nguy kịch do dị dạng mạch máu.

Bệnh nhân nữ N.T.L (sinh năm 1965, ngụ tại Cà Mau) nhập viện ngày 12/6 trong tình trạng lơ mơ, da niêm nhợt, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ khó bắt, suy hô hấp...

Ngay sau khi tiếp nhận, khoa Cấp cứu thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện. Tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa, các bác sỹ thống nhất chẩn đoán: bệnh nhân choáng do xuất huyết tiêu hóa dưới, suy hô hấp, rối loạn đông máu.

Bệnh nhân được tiến hành cấp cứu, truyền dịch, truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh khẩn cấp, hồi sức nội khoa, đặt nội khí quản, thở máy, chống toan, đặt ống thông đo huyết áp động mạch xâm lấn.

Kết quả kiểm tra ghi nhận bệnh nhân bị sốc mất máu nặng, chỉ số huyết học ở mức báo động: huyết sắc tố 4,0 g/dl (bình thường là 12,5-16 g/dl). Kết quả chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang cho thấy bệnh nhân bị thoát mạch thuốc cản quang trong thành quai ruột non hông trái.

Sau khi bệnh nhân được hồi sức tích cực, điều chỉnh rối loạn đông máu, các bác sỹ quyết định phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, êkíp kiểm tra thấy khoảng 30cm ruột non có tình trạng mạch máu tăng sinh và thay đổi màu sắc, lòng ruột non có máu cũ.

Bên trong lòng đoạn ruột non này nhú cục mạch máu. Êkíp đã cắt bỏ đoạn ruột non này.

Ca phẫu thuật thành công sau 2 giờ, quá trình cấp cứu và phẫu thuật bệnh nhân được chỉ định truyền 35 đơn vị máu và các chế phẩm của máu.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực-Chống độc theo dõi và tiếp tục hồi sức nội khoa tích cực. Tình trạng hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, niêm hồng, đang được điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp.

Bác sỹ Chuyên khoa II Bồ Kim Phương - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin nguyên nhân thường gặp dẫn đến chảy máu tiêu hóa là dị dạng mạch máu ruột, tổn thương viêm trợt xuất huyết, polyp ruột non, u ruột non. Trong số đó, nguyên nhân chảy máu từ ruột non chỉ chiếm 5-10% số ca. Chảy máu ruột non do nguyên nhân dị dạng mạch máu ruột càng hiếm gặp và khó chẩn đoán hơn.

Có nhiều thách thức trong chẩn đoán và điều trị chảy máu ruột non, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa với trang thiết bị hiện đại. Đặc điểm lâm sàng của chảy máu ruột non là chảy máu nhiều đợt, thường tự ngưng nhưng dễ tái diễn. Thể này thường khó chẩn đoán và khó điều trị do ruột non rất dài, trung bình 6,5m.

Để ca cấp cứu này thành công, bên cạnh tay nghề bác sỹ cao, máy móc hiện đại còn có sự hỗ trợ cung cấp máu và chế phẩm máu kịp thời từ Bệnh viện Huyết học Truyền máu thành phố Cần Thơ.

Qua trường hợp này, các bác sỹ khuyến cáo người dân khi xuất hiện tình trạng đi tiêu ra máu… cần đến các đơn vị y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Việc để lâu, đặc biệt là tự uống thuốc không có chỉ định của bác sỹ sẽ làm cho sức khỏe của người bệnh ngày càng yếu, tình trạng bệnh nặng. Quá trình điều trị sẽ mất thời gian, tốn kém và lâu phục hồi hơn rất nhiều./.