Cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc, bất cập..., nhiều ý kiến cho rằng Bộ TN-MT cần tập trung hoàn thiện để bộ luật được Quốc hội thông qua ở kỳ họp gần nhất.
Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện vẫn còn tình trạng nhiều dự án đầu tư đã được Nhà nước giao, cho thuê đất nhưng không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; chế tài xử lý vi phạm còn yếu, chưa đủ sức răn đe; các biện pháp xử lý vi phạm chưa hiệu quả; phương pháp xác định giá đất còn chứa đựng yếu tố chủ quan… gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo chất lượng và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất.
Còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Theo đại diện Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau quá trình thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg về "Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai" của Thủ tướng Chính phủ, đến đầu năm 2023 cả nước còn 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng và chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 28.155ha.
Trong số trên, hiện có 172 dự án đã được xử lý, chấm dứt hoạt động; 226 dự án gia hạn sử dụng đất; 106 dự án đang xử lý; còn 404 dự án chưa xử lý.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là bởi năng lực của nhà đầu tư còn yếu kém; việc chấp hành pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng và các pháp luật khác có liên quan chưa được đầy đủ, kịp thời, còn có vi phạm.
Trong khi đó, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, việc thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư còn chưa chặt chẽ, từ đó dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc với mục đích xin dự án chiếm giữ đất để đầu cơ, chờ tăng giá, chuyển nhượng dự án; yêu cầu thủ tục về triển khai dự án còn phức tạp.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và xây dựng cũng còn chồng chéo, bất cập đã gây khó khăn cho việc thực hiện dự án đầu tư; quy định về điều chỉnh, gia hạn dự án đầu tư, chấm dứt dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và quy định về xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai còn có điểm chưa cụ thể, chưa rõ ràng, mâu thuẫn dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã khiến những quy định về đất đai trước đây đã bộc lộ nhiều bất cập, không "bắt kịp" thực tiễn. “Điều này buộc chúng ta phải sửa đổi cho phù hợp. Nhưng đất đai là vấn đề tác động tới toàn dân nên không thể sửa đổi trong một sớm một chiều được. Đó cũng là nguyên nhân vì sao Quốc hội lại hoãn thông qua Luật Đất đai trong kỳ họp vừa qua,” ông Toản nhấn mạnh.
Trong bối cảnh mới, ông Toản cho rằng cần có cách tiếp cận mới về sử dụng đất đai. “Theo tôi được biết nhiều người không hề sở hữu đất đai, họ đi thuê đất vẫn có thể làm giàu từ đất. Vậy cách tiếp cận về sử dụng đất đai cần được thay đổi theo hướng làm sao để tăng giá trị của đất đai chứ không đơn giản là sở hữu rồi mua đi bán lại như trước đây,” ông Toản nêu quan điểm và kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ quản lý hiệu quả, tạo điều kiện để đưa đất đai thành động lực cho sự phát triển bền vững.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm cho hay trong năm 2023, địa phương này cũng gặp vướng mắc trong áp dụng các phương pháp định giá đất do quy định còn chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập, phụ thuộc kinh nghiệm và ý chí chủ quan của định giá viên. Đáng chú ý, phương pháp thặng dư mang nhiều yếu tố giả định nên tỉnh Hòa Bình gặp khó khăn khi áp dụng các phương pháp định giá đất...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cũng nhấn mạnh công tác quản lý tài nguyên ở tỉnh này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong khi các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai thường xuyên thay đổi.
"Số lượng văn bản quy định pháp luật về đất đai quá nhiều; quy định pháp luật có những nội dung chưa phù hợp, còn chồng chéo giữa Luật Đất đai và các luật khác như Luật Đầu tư,... dẫn đến khó áp dụng," ông Vinh nói.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo, sẵn sàng triển khai khi Luật được thông qua
Để hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo giải quyết các vấn đề tồn tại trong thực tiễn, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013.
Cùng với đó, phía tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lựa chọn phần mềm để thực hiện việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai để cung cấp cho các địa phương sử dụng thống nhất.
Có chung quan điểm, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm điều chỉnh cơ chế chính sách, quy định pháp luật về đất đai đồng bộ với các luật khác nhằm giải quyết khó khăn trong thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát huy nguồn lực từ đất đai.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Văn Đính cũng nhấn mạnh nhiều dự án đang đợi có cơ chế mới để được tháo gỡ, có thể tiếp tục đưa dự án vào hoạt động; nhiều cơ quan chính quyền cũng chờ đợi quy định mới để phê duyệt. Do vậy, Dự án sửa đổi Luật Đất đai cần được xem xét kỹ hơn và thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Trong khi đó, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đồng bộ các nghị định, thông tư hướng dẫn ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành; đảm bảo giảm độ trễ trong quá trình chuyển tiếp áp dụng quy định pháp luật.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể chế Luật Đất đai, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường,” diễn ra ngày 31/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước mắt cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành luật ngay sau khi được thông qua.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin đất đai nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện các đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý đối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) và trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật như nghị định, thông tư kèm theo.
Đại diện Vụ Đất đai cũng khẳng định sẽ sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Đất đai về xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng để đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật khác liên quan.
Cơ quan này cũng sẽ xây dựng nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, dự án bị chấm dứt đầu tư để đảm bảo xử lý được cơ bản các vướng mắc./.