Cần đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm
Ban Quản lý dự án đường sắt đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn.
Cần đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức chiều 6/1 tại Hà Nội.
Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đánh giá năm 2022 Ban Quản lý dự án đường sắt đã thực hiện nhiều nhiệm vụ Bộ Giao thông Vận tải giao, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020; đồng thời chuẩn bị đầu tư dự án, thực hiện dự án đối với các dự án vốn trung hạn 2021-2025.
Riêng dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh gói 7.000 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đường sắt đã vượt qua nhiều thách thức đến từ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, dự án trải dài qua nhiều địa phương. Tuy nhiên đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực vận tải của ngành đường sắt.
[Các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội tuyển dụng gần 450 nhân sự]
Trong giai đoạn tới, Ban Quản lý dự án đường sắt tiếp tục được giao nhiệm vụ triển khai gói nâng cấp đường sắt 3.000 tỷ đồng với những điều kiện khó khăn tương tự. Cùng với đó là dự án nâng cấp cầu Đuống (cầu đường sắt) và nhiều dự án trọng điểm của ngành đường sắt.
Vì vậy, Ban cần nỗ lực tập trung hơn nữa để đẩy nhanh các bước chuẩn bị cho việc triển khai đảm bảo các dự án này về đích đúng hạn, phát huy hiệu quả.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã khẩn trương và chủ động triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt 6 dự án và giao Ban làm Chủ đầu tư để triển khai thực hiện, tạo việc làm, duy trì sự ổn định phát triển của Ban trong thời gian tới.
Công tác giao kế hoạch vốn, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 được thực hiện tốt, kết quả giải ngân các dự án của Ban cơ bản đạt theo kế hoạch, đạt hơn 95% kế hoạch vốn.
"Trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án, Ban được Bộ Giao thông Vận tải giao quản lý thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 22 dự án đường sắt, bao gồm 15 dự án nhóm A trở lên, 7 dự án nhóm B, trong đó có 16 dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Ban đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đầu tư 5 dự án nhóm B, nguồn vốn 2021-2025," ông Vũ Hồng Phương thông tin.
Cũng theo ông Vũ Hồng Phương, Ban cũng đang rà soát, lập đề cương nhu cầu các công trình/dự án ưu tiên cần được nghiên cứu đầu tư xây dựng để trong năm 2023 sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và trung hạn 2026-2030, tạo tiền đề và giải quyết việc làm của Ban trong giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ thêm, ông Vũ Hồng Phương khẳng định trong quá trình quản lý dự án, Ban đã chú trọng siết chặt công tác quản lý chất lượng, tiến độ dự án, tăng cường nhân sự bám sát công trường và chỉ đạo quyết liệt công tác hiện trường; chất lượng các công trình đến nay đều đạt yêu cầu, thực hiện giải ngân, thanh toán kịp thời, đúng quy định hiện hành.
Về quyết toán dự án hoàn thành, Ban đã nghiêm túc thực hiện công tác này theo Chỉ thị 05/CT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, Giám đốc đã ban hành 2 chỉ thị để thực hiện công tác quyết toán, hàng tháng tổ chức họp chuyên đề riêng để tháo gỡ và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện. Kết quả, đã quyết toán được trên 92% vốn đầu tư các dự án.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, tổng số vốn giải ngân đầu tư năm 2022 của Ban được Bộ Giao thông Vận tải giao là hơn 1.665 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, Ban Quản lý dự án đường sắt đã giải ngân được số tiền là 1.589 tỷ đồng, đạt 95,43%./.