Cận cảnh hình ảnh cây bom ba càng gây xúc động trong phim 'Đào, Phở và Piano'

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vẫn lưu giữ một cây bom ba càng, có lẽ là cây duy nhất còn sót lại trong số 93 cây được trang bị cho các chiến sĩ Thủ đô trong 'Bản hùng ca Hà Nội mùa Đông năm 1946.'

Bom ba càng và chiến sĩ quyết tử Thủ đô dùng chống xe tăng Pháp trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Hiện vật hiện đang trưng bày tại phòng 11, giai đoạn kháng chiến chống Thực dân Pháp (1946-1954) trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong bộ phim chiếu rạp "Đào, Phở và Piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn, nhiều người xem không khỏi xúc động ở phân cảnh kết phim, nhân vật nữ mặc áo dài trắng ôm bom ba càng đâm thẳng vào xe tăng địch tạo nên hình ảnh đầy bi tráng, hào hùng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội mùa Đông năm 1946.

Bom ba càng, vũ khí được đội cảm tử quân dùng để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép là nỗi kinh hoàng của quân Pháp tại Hà Nội mùa đông năm 1946.

Bom ba càng được coi là biểu tượng của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, gắn liền với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô chống lại thực dân Pháp.

Ðánh bom ba càng phải là những chiến sĩ cảm tử quân mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy chỉ được sử dụng trong quãng thời gian ngắn ngủi nhưng loại vũ khí thô sơ này và những người sử dụng nó lại có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử quân đội ta.

Hiện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vẫn lưu giữ một cây bom ba càng. Đây là cây duy nhất còn sót lại trong số 93 cây được trang bị trong trận đánh Hà Nội mùa Đông 1946. Cây này được tìm thấy trong quá trình người dân đào đất xây nhà trên phố Hàng Bông năm 1983.

Bom ba càng (cấu tạo theo nguyên lý đạn bom như đạn Bazoka, B40, B41 sau này) có dạng hình phễu, miệng phễu đường kính 22cm, có vành gang gắn ba càng sắt, mỗi càng dài 12cm; đáy phễu là bộ phận gây nổ, gồm hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn; bom được lắp vào một cây gậy gỗ dài 1,2m. (Ảnh: Wikipedia)
Cây bom ba càng của ta có xuất xứ từ một loại vũ khí của Nhật Bản, sau đó được mình cải tiến cho phù hợp với điều kiện. Bom ba càng của Nhật không phải để cho cảm tử quân dùng mà có bệ phóng (mâm bay). Khi được phóng đi, quả bom lao vào mục tiêu, 3 núm bên ngoài quả bom chạm vào bề mặt xe tăng, xe bọc thép đối phương sẽ kích nổ khối thuốc bên trong tạo nên một sức khoan phá khủng khiếp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tuy nhiên, thời đó ta không thể làm bệ phóng nên buộc phải sử dụng người thay thế, đó chính là những chiến sĩ cảm tử quân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Loại vũ khí này được đánh giá khá hiệu quả, có tính sát thương cao. Mỗi cây bom có chiều dài gần 2m, phần đầu là khối thuốc được bọc trong vỏ sắt, cây cầm bằng gỗ hoặc tre, tổng trọng lượng cây bom khoảng hơn 10kg, khi lao vào chướng ngại vật thì phải có một lực tương đương 30 – 40kg mới có thể kích nổ bom. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo số liệu không đầy đủ của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) thì có 93 cây bom ba càng được sản xuất, trong khoảng thời gian từ tháng 3/1946 đến tháng 12/1946 do công binh xưởng của Liên khu 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô bây giờ) sản xuất. Trong số này, ta mới sử dụng 47 cây và có 35 chiến sĩ cảm tử hy sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong giai đoạn lịch sử ngắn ngủi (cuối 1946 đến tháng 1/1947), bom ba càng là loại vũ khí khiến cho quân Pháp kinh hoàng. Thậm chí, họ phải kính nể quân đội của Cụ Hồ, một quân đội được trang bị hết sức thô sơ nhưng lại có vũ khí rất mạnh là lòng yêu nước và tự hào dân tộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chiến sĩ cảm tử nổi tiếng nhất là chiến sĩ Nguyễn Văn Thiềng chính là chiến sĩ quyết tử trong bức ảnh lịch sử năm 1946 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hình ảnh cảm tử quân thủ đô ôm bom ba càng sẵn sàng chiến đấu đã được ghi vào sử sách, trở thành tấm gương, niềm tự hào và động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nghệ sĩ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hiện Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đang lưu giữ một cây bom ba càng. Đây cũng là cây bom ba càng duy nhất còn sót lại trong số 93 cây được trang bị trong trận đánh Hà Nội mùa đông 1946. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều khách tham quan khi đọc thông tin về bom ba càng cũng như hình ảnh các chiến sĩ cảm tử quân của Việt Nam đã không khỏi bất ngờ và xúc động. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)