Cần bổ sung những quy định trong quản lý tài nguyên nước
Liên quan tới quy định về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung cụm từ “tuần hoàn nước” thành quy định “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tuần hoàn nước."
Sáng 14/8, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ Tài nguyên Nước (sửa đổi).
Cần bổ sung những quy định mang tính hậu kiểm
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác nghiên cứu tiếp thu của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo; đồng thời đề nghị rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa tối đa trong dự thảo Luật tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, hạn chế “xin-cho”…
Về điều khoản chuyển tiếp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải đảm bảo đủ thời gian để áp dụng, tránh xung đột về pháp luật, tránh việc phải đi xử lý vướng mắc khó khăn ở những dự án cụ thể.
Cho rằng theo quy định trong dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) thì chủ yếu quản lý bằng giấy phép, giấy phép cũng quan trọng, nhưng chỉ là tiền kiểm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật cần bổ sung những quy định mang tính hậu kiểm, đó là tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình để các đối tượng tự giác tổ chức thực hiện.
Liên quan tới quy định về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung cụm từ “tuần hoàn nước” thành quy định “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tuần hoàn nước.”
[Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, phát triển bền vững ngành nước]
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết có những trường hợp nếu yêu cầu bảo đảm tuần hoàn nước thì không bảo đảm hiệu quả của nhà đầu tư.
Do vậy, nếu không quy định vào luật thì nhà đầu tư sẽ không thực hiện và khi đánh giá tác động cũng bỏ qua nội dung sử dụng nước tuần hoàn.
Trong khi đó, sử dụng nước tuần hoàn lại bảo đảm hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội. Như tại Israel, việc sử dụng nước tuần hoàn rất được chú trọng; không chỉ tận dụng nước thải sau xử lý, Israel còn tận dụng bùn thải sau xử lý để phục vụ trồng rừng, phát triển rừng.
Không quy định nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh luật này
Cho ý kiến về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý dự án luật quy định “Bộ Quốc phòng trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, sự cố mất an toàn đập, hồ chứa nước, ứng phó với sự cố, thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn liên quan đến nước theo pháp luật về phòng thủ dân sự…”
Tuy nhiên, còn nhiều luật khác có liên quan như Luật Tình trạng Khẩn cấp; Luật Trưng mua, Trưng dụng Tài sản… Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị rà soát kỹ và có quy định rõ hơn về nội dung này.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Đồng thời, nhấn mạnh, các tài liệu và báo cáo tại Phiên họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; các ý kiến tham gia đã được rà soát để tiếp thu, giải trình cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan chủ trì và cơ quan soạn thảo.
Liên quan đến các vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết về phạm vi điều chỉnh, do đối tượng “nước khoáng, nước nóng” đã được quy định theo pháp luật về khoáng sản và nhiều văn bản của Đảng và nhà nước.
Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định trong triển khai thực hiện hệ thống chính sách pháp luật hiện nay, không quy định nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, cũng như kinh nghiệm quốc tế có liên quan để đảm bảo tính thuyết phục cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm ý kiến tại phiên thảo luận liên quan đến nước mặn, nước thải, nước sạch nông thôn…; tiếp tục rà soát, nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về điều hòa, phân phối, khai thác sử dụng tài nguyên nước; về đăng ký cấp phép sử dụng tài nguyên nước, tái sử dụng nước, trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, tổ chức lưu vực sông, sử dụng nước ngầm.
Đối với những góp ý liên quan đến các điều, khoản cụ thể tại dự thảo luật, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ để quy định đảm bảo đồng bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật và chuẩn bị các nội dung cơ bản, cốt lõi trình xin ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội Chuyên trách trước khi Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp thứ 6 (10/2023)./.