Cần bổ sung hành vi cấm quảng cáo trên môi trường mạng internet
Đại biểu cho rằng hiện nay các cơ quan chức năng đã kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí, còn trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý.
Chiều 25/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.
“Quản lý trên mạng xã hội vẫn rất lỏng lẻo”
Góp ý về quảng cáo trên mạng, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Long An cho biết Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng. Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.
Đại biểu cũng cho rằng hiện nay các cơ quan chức năng đã kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí, còn trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu.
“Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra,” Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận quan tâm đến công tác quản lý của Nhà nước về những quảng cáo không đúng theo quy định. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đại biểu yêu cầu trong dự án Luật cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với hoạt động quảng cáo...
Theo biểu Chamaléa Thị Thủy, hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo được đăng tải trên môi trường mạng theo dạng bài viết, video trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai.
Cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, đại biểu mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với quảng cáo.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp.
Bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong quảng cáo
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.
Đại biểu nhấn mạnh: “Quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em. Đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tác hại của quảng cáo đối với trẻ em dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy, đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp.”
Đại biểu Tú Anh cho rằng cần quy định chi tiết hóa các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định. Xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; cùng nhau xây dụng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
Về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành với thời lượng là 5%. Mặc dù việc tăng thời lượng quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà đài, tuy nhiên đồng nghĩa với việc nhà tiêu dùng phải đối mặt với nhiều phiền toái và bất tiện hơn.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, nội dung quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được phân cấp nên giao cho Chính phủ quy định. Còn đối với quảng cáo trên mạng có nhiều nội dung chưa phù hợp với đối tượng như trẻ em thì Ban soạn thảo dự án Luật nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo...
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối Internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.../.