Cải cách, đầu tư cho y tế để hướng đến mục tiêu miễn viện phí toàn dân
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, vận hành minh bạch, hiệu quả theo thời gian thực, xây dựng bệnh viện thông minh lấy người bệnh làm trung tâm.
Ngành y tế cần tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, hợp tác công tư và xã hội hóa để tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, bảo đảm người dân ở mọi vùng, miền đều được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu, chất lượng và an toàn. Những thay đổi nhằm hướng đến mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm, từng bước tiến tới mục tiêu vô cùng nhân văn và cao cả đó là miễn viện phí cho toàn dân theo chủ trương, định hướng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc diễn ra ngày 19/4 tại Hải Dương, với chủ đề "Bệnh viện thông minh và quản trị bền vững."
Mô hình bệnh viện thông minh - Xu hướng của thời đại
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh chủ đề "Bệnh viện thông minh và quản trị bền vững" phù hợp, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cũng như định hướng phát triển dài hạn của ngành. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược trong phát triển quốc gia, trong đó ngành y tế cần đi đầu trong ứng dụng thành tựu mới để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Thuấn cho biết những năm qua, hệ thống bệnh viện cả nước đã có nhiều chuyển biến trong quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ và ứng dụng công nghệ, song vẫn tồn tại nhiều bất cập. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn nơi thiếu thuốc, vật tư, gây ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Cơ chế tài chính và thực hiện tự chủ còn bất cập. Một số đơn vị gặp nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.
Bên cạnh đó, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá dịch vụ hiện hành còn chưa phù hợp với thực tiễn chi phí phát sinh tại các bệnh viện. Tại nhiều bệnh viện, việc chuyển đổi số đạt kết quả bước đầu nhưng triển khai chưa đồng đều, thiếu nhân lực...

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, vận hành minh bạch, hiệu quả theo thời gian thực, xây dựng bệnh viện thông minh lấy người bệnh làm trung tâm, coi sự an toàn và tính mạng người bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Liên quan đến vấn đề bệnh án điện tử, Tiến sỹ Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết mới đây Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế ký văn bản các danh mục liên thông xét nghiệm cận lâm sàng với mã định danh cho từng bệnh viện. Các danh mục này đều đạt chuẩn đến hơn 90% so với quy định của quốc tế. Đây là đảm bảo đầu tiên cho việc liên thông dữ liệu trên toàn quốc. Khi có danh mục này các cơ sở y tế áp dụng bệnh án điện tử thuận lợi hơn.
Về danh mục lâm sàng, với hàng trăm danh mục khác nhau, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang quyết liệt để cuối tháng 5 sẽ trình các danh mục này để từng bước đảm bảo lộ trình thực hiện bệnh án điện tử được khả thi.
Cần đổi mới tư duy quản trị bệnh viện
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc nhấn mạnh ngành y tế đang bước vào một giai đoạn phát triển đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Bên cạnh những nỗ lực không ngừng trong công tác khám chữa bệnh, các bệnh viện xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng của nhân dân.

Đặc biệt, Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số đã thúc đẩy ngành y tế phải có những bước tiến đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, từ việc số hóa toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, liên thông dữ liệu y tế, đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị.
Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng bệnh án điện tử hoàn toàn từ tháng 11/2024, triển khai ứng dụng “Bạch Mai Care” giúp bệnh nhân chủ động tra cứu thông tin và lịch sử khám bệnh; thực hiện đề án quản trị tinh gọn, chuẩn hóa quy trình, tối ưu chi phí; hợp tác với nhiều đối tác để phát triển mô hình bệnh viện xanh, thân thiện với môi trường.
Theo Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, việc xây dựng bệnh viện thông minh và quản trị bền vững không chỉ để tăng hiệu quả nội tại mà còn nhằm thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng miền, hướng đến một hệ thống y tế toàn dân, cá thể hóa và nhân văn.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành y tế trong kỷ nguyên mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các bệnh viện cần đổi mới tư duy quản trị bệnh viện, trong đó ứng dụng sâu rộng chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành và chuyên môn; Cần chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản trị hiện đại, minh bạch trong vận hành, hiệu quả trong ra quyết định. Các cơ sở y tế đồng thời khắc phục triệt để các vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị và vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch và kịp thời phục vụ chuyên môn.
“Đặc biệt, các bệnh viện cần đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống quản lý chất lượng, kết nối liên thông giữa các đơn vị, tiến tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, đáp ứng yêu cầu quản trị theo thời gian thực và lấy người bệnh làm trung tâm. Các bệnh viện tuyến trên tăng cường hỗ trợ chuyên môn, đào tạo tại chỗ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, đồng thời nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh theo hướng bền vững, gắn với nhu cầu thực tiễn và năng lực tiếp nhận của từng cơ sở,” Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ./.