Cách tiếp cận xây dựng, trách nhiệm giúp củng cố vị thế của Việt Nam
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, nhờ cách tiếp cận mang tính xây dựng, trách nhiệm, những sáng kiến và đề xuất của Việt Nam luôn được lắng nghe, ghi nhận và để lại dấu ấn trong sự lớn mạnh của ASEAN.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về những đóng góp của Việt Nam sau 28 năm gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải - Giảng viên cao cấp thỉnh giảng về chính trị và chính sách công tại Trường Tư pháp, Khoa Các ngành sáng tạo, giáo dục và công bằng xã hội thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Australia), nhấn mạnh từ năm 1995, vị trí, vai trò, tiếng nói và thậm chí là ảnh hưởng của Việt Nam trong ASEAN ngày càng tăng.
Điều này có được là nhờ vị trí địa chiến lược của Việt Nam trong khu vực, sức mạnh và sự phát triển của Việt Nam qua gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, chính sách đối ngoại cùng cách tiếp cận mang tính xây dựng, trách nhiệm và sự tuân thủ của Việt Nam đối với các quy định của hiệp hội, nhất là nguyên tắc “Đồng thuận ASEAN,” và đề cao luật pháp quốc tế.
Chính vì thế, những sáng kiến và đề xuất của Việt Nam luôn được lắng nghe, ghi nhận và nhiều sáng kiến cũng như đề xuất của Việt Nam đã “đi vào cuộc sống” trong ASEAN, để lại dấu ấn về sự lớn mạnh của tổ chức khu vực này.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải đã đúc kết 5 đóng góp mang tính tổng quát của Việt Nam trong đối nội và đối ngoại của hiệp hội mà ông cho rằng có ảnh hưởng đến sự tồn tại, đoàn kết, sự lớn mạnh và tiếng nói của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Thứ nhất là sự ra đời của Hiến chương ASEAN năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2008, luôn được xem là “Hiến pháp sống” của ASEAN.
Ngay từ đầu, Việt Nam đã tham gia xây dựng và có những đóng góp quan trọng vào sự ra đời của văn kiện này.
Những nguyên tắc làm nền tảng cho sự tồn tại của tổ chức, hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực Đông Nam Á được thể hiện trong các quy định của Hiến chương đều có sự đóng góp của Việt Nam.
Thứ hai là đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng một cộng đồng chung ASEAN với 3 trụ cột gồm: Cộng đồng An ninh-Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Với mỗi cộng đồng này, Việt Nam đều có những đề xuất và đóng góp để trên hết là tăng cường sự liên kết và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ASEAN với “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng.” Mới đây nhất là Tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN đến năm 2025.
Thứ ba là trong các nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và tổ chức thành công các hoạt động của hiệp hội, để lại dấu ấn ảnh hưởng sâu sắc đến vai trò, vị trí và sự lớn mạnh của ASEAN.
Ví dụ, trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã tạo được đồng thuận về quyết định mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của cả Nga và Mỹ.
Năm 2020, Việt Nam để lại dấu ấn trong việc cùng ASEAN vượt qua đại dịch COVID-19.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong vai trò này chính là duy trì được sức sống của ASEAN, làm cho ASEAN duy trì được hoạt động chứ không bị tê liệt; tăng cường được tính đoàn kết trong khó khăn, thể hiện tính tự cường của ASEAN trong khủng hoảng.
Tổng Thư ký ASEAN thời điểm đó, ông Dato Lim Jock Hoi, ghi nhận rằng “Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ,” dẫn dắt một tập thể ứng phó hiệu quả trước đại dịch COVID-19.
[Việt Nam có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của ASEAN]
Thứ tư là đóng góp của Việt Nam vào việc thông qua văn kiện Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh cạnh tranh và đối đầu giữa các nước lớn trong khu vực, sự hình thành một cấu trúc khu vực dựa trên một khái niệm mới trong quan hệ quốc tế mà trực tiếp liên quan và ảnh hưởng đến ASEAN, việc Việt Nam đồng thuận cùng các nước thành viên khác trong ASEAN thông qua văn kiện này thể hiện tầm nhìn, trách nhiệm và tinh thần đoàn kết của Việt Nam trong việc tạo tiếng nói tập thể của ASEAN về các vấn đề quốc tế liên quan.
Thứ năm là đóng góp có trách nhiệm nhưng có nguyên tắc của Việt Nam trên tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp và khủng hoảng trong khu vực, đặc biệt là trong quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và trong vấn đề Biển Đông.
Đóng góp của Việt Nam trong vấn đề này, trước hết và trên hết là vì lợi ích quốc gia-dân tộc, nhưng cách tiếp cận dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam đã góp phần đảm bảo và duy trì một khu vực Đông Nam Á, một vùng biển có tranh chấp chủ quyền nhưng không xảy ra xung đột vũ trang và duy trì được hòa bình cho phát triển.
Cách tiếp cận này được tất cả các nước đồng tình và ủng hộ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có những đóng góp trong vai trò là điều phối của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực, góp phần củng cố và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Khi đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong hai nhiệm kỳ 2009-2010 và 2020-2021, Việt Nam đã lồng ghép các vấn đề khu vực vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, nâng cao tiếng nói của ASEAN trên diễn đàn an ninh và hòa bình của Liên hợp quốc.
Việt Nam cũng ngày càng tham gia tích cực và sâu rộng vào giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, chủ yếu qua các cơ chế của ASEAN và do ASEAN chủ trì, đặc biệt trong các vấn đề ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển, cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Những đóng góp này là minh chứng cụ thể trong việc thực hiện chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới và phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của Việt Nam đối với ASEAN./.