Các tỉnh đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu
Để khắc phục hậu quả bão số 2, các tỉnh cần sẵn sàng phương án di dời dân ở khu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Ngày 12/8, Thủ đô Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm. Đêm 12/8, mưa sẽ giảm trên khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, tuy nhiên trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để tiếp tục ứng phó với tình hình mưa lớn và những hình thái thời tiết phức tạp có thể diễn ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu sau bão số 2 tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số 24/CĐ-QG của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung vào việc thường xuyên theo dõi các bản tin về diễn biến thiên tai, thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng phương án di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu.
Các địa phương chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối, kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và cử lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện để đảm bảo an toàn, đồng thời thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại các địa phương, từ ngày 10-12/8, bão số 2 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn đã làm 1 người chết và 2 người mất tích ở Hòa Bình và Phú Thọ.
[Ngày 12/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to]
Sáng 12/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện hàng chục điểm ngập tại các phố Bùi Xương Trạch; Vũ Trọng Phụng-Quan Nhân; Nguyễn Trãi; Nguyễn Chính; phố Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy); Trần Bình (đoạn cổng Ủy ban Nhân dân phường Mai Dịch); Thụy Khuê (dốc La Pho).
Khu vực quận Long Biên, địa điểm ngã tư Cổ Linh đoạn gần Trung tâm thương mại Aeon mall (Long Biên) có đoạn dài khoảng 50 m bị ngập, nước tràn cả lên vỉa hè, phương tiện đi lại khó khăn, nhất là đối với xe máy. Khu vực Trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã ba Hoàng Như Tiếp-Ái Mộ cũng bị dềnh, ngập nước.
Trên địa bàn thành phố xuất hiện một số điểm ứ đọng nước như: trước cổng Học viện Nông Nghiệp Việt Nam (Gia Lâm), trước tòa nhà An Quý Hưng (Long Biên); từ chợ Đức Hòa đến ngõ 97 (Đức Giang, Long Biên), trục thoát nước qua ngõ 80 Hoa Lâm, Yên Duyên (đường vành đai 3), Đại lộ Thăng Long (hầm chui dân sinh số 3, 5, Km 9+ 656-Hoài Đức); Ecohome 3 (bao gồm Trường Tiểu học Đông Ngạc-Bắc Từ Liêm), Đại lộ Thăng Long giao ngã ba Lê Trọng Tấn cũng bị ngập nặng.
Mưa to vào sáng 12/8, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã làm nhiều nơi bị ngập lụt cục bộ. Tại thành phố Thái Bình, nhiều tuyến phố chính bị ngập nặng, có nơi nước mưa ngập tới đầu gối người lớn, tràn vào nhà nhiều hộ dân ở mặt đường, gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông...
Từ đêm 10/8 đến sáng 12/8, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra mưa vừa, mưa to kéo dài khiến mực nước các sông dâng cao. Tại huyện Thanh Sơn, mực nước trên sông Bứa lúc 18 giờ ngày 11/8 đã lên tới 23,34m, trên báo động I là 0,34m. Do mực nước dâng nhanh, khiến nhiều đập tràn trên đường giao thông đi các xã thuộc huyện Thanh Sơn, Tân Sơn bị ngập sâu, giao thông ở nhiều xã bị tê liệt.
Mưa lớn đã làm 11 ngôi nhà trên địa bàn xã Phong Phú, Phú Cường (huyện Tân Lạc), xã Thu Phong và Thung Nai (huyện Cao Phong) tỉnh Hòa Bình bị thiệt hại do ngập và sạt lở đất ta luy dương...
Tại huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La, mưa lớn làm 9 ngôi nhà tại tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu; 1 nhà ở xã Nà Mường bị sạt lở đất đá vào nhà. Tuyến đường giao thông liên xã Mường Sang-Chiềng Khừa, Tân Lập-Tân Hợp, Nà Mường-Quy Hướng xuất hiện các điểm sạt lở mái ta luy dương, đất đá rơi xuống mặt đường; sạt lở, sụt lún tuyến đường lên trụ sở làm việc Ủy ban Nhân dân xã Quy Hướng.
Cùng với đó, tại Mộc Châu, nước lũ chảy tràn khỏi lòng suối gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân ven theo suối trên địa bàn thị trấn Nông trường Mộc Châu, thị trấn Mộc Châu và các xã Đông Sang, Mường Sang, Chiềng Khừa, Chiềng Hắc, Lóng Sập.
Trên địa bàn xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên một số điểm ở khu vực trung tâm xã đã bị sạt lở, đổ 4 cột điện, 3 hộ dân bị đất đá tràn vào nhà. Tại huyện Yên Châu, có 5 ha ao cá bị thiệt hại tại các xã Chiềng Pằn, Chiềng Đông và ngập úng 30 nhà tại xã Chiềng Đông.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thăm hỏi gia đình có người tử vong, tiếp tục tìm kiếm những người mất tích; rà soát, thống kê thiệt hại, kịp thời giúp đỡ người dân dọn dẹp, sửa chữa lại nhà ở; khuyến cáo người dân cập nhật, theo dõi diễn biến của thời tiết, chủ động các biện pháp phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.../.