Các tỉnh Bến Tre, Lâm Đồng, Kon Tum, Sóc Trăng và thành phố Đà Nẵng sắp xếp đơn vị hành chính
Các tỉnh Bến Tre, Lâm Đồng, Kon Tum, Sóc Trăng và Thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương sắp xếp đơn vị hành chính, sớm hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Các địa phương đang khẩn trương hoàn thành đề án sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã đảm bảo đúng quy trình đầy đủ, chú trọng tính kết nối và đồng bộ, được lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân.
100% đại biểu Đà Nẵng đồng thuận đề án sáp nhập
Ngày 26/4, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua các nghị quyết về sắp xếp, tổ chức, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp.
Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp chuyên đề) nhằm thảo luận, cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; Đề án hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; thành lập Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số nội dung liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Dự kỳ họp có Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; đồng chủ trì là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn.
Tại kỳ họp, 100% đại biểu đồng thuận với Đề án sáp nhập thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Các đại biểu tán thành chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, lấy tên là thành phố Đà Nẵng.
Trung tâm chính trị-hành chính của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay. Tổng diện tích tự nhiên của thành phố Đà Nẵng sau khi hợp nhất sẽ là 11.867,18 km2, đạt 791,15% tiêu chuẩn; quy mô dân số sau sáp nhập là hơn 3 triệu người, 306,56% tiêu chuẩn.
Việc lấy ý kiến cử tri về đề án nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính đã được thực hiện rộng rãi tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Tại Đà Nẵng, 99,77% cử tri được lấy ý kiến đã đồng thuận; tại Quảng Nam có 98,52% cử tri được lấy ý kiến đã đồng thuận với phương án nhập tỉnh.
Việc hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam được kỳ vọng sẽ mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng, tối ưu nguồn lực đất đai, dân cư và hạ tầng, tạo động lực phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Các đại biểu cũng thống nhất với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Đà Nẵng. Theo đó, thành phố Đà Nẵng sau khi tổ chức lại sẽ còn 12 phường, 3 xã và 1 đặc khu. Dự kiến, sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam thông qua, các đề án này sẽ được trình Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét trước ngày 30/4. Các đại biểu cho ý kiến, thống nhất thông qua 15 nghị quyết quan trọng…
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng đề nghị, thời gian tới, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với tình hình mới; làm tốt công tác chuẩn bị hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh; không tổ chức cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp gắn với chuẩn bị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 -2031.
Các bên liên quan đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò trung tâm của đại biểu Hội đồng Nhân dân trên các mặt công tác; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp.
Bến Tre thông qua 9 nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính và phát triển kinh tế-xã hội
Ngày 26/4, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre đã thông qua các nghị quyết về sắp xếp, tổ chức, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre, khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức Kỳ họp thứ 18 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, xem xét, quyết nghị các nội dung thuộc thẩm quyền.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến yêu cầu, Ủy ban Nhân dân tỉnh khẩn trương triển khai các nghị quyết được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua đến các cấp, ngành. Việc triển khai phải gắn với kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực tế, bảo đảm mọi chủ trương đều đi vào cuộc sống; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; tăng cường phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên mà nghị quyết đề ra...
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh, đạt được thống nhất cao của đa số cử tri. Cùng đó, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đạt được sự đồng thuận của 98,83% cử tri.
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua 9 nghị quyết có tác động trực tiếp, sâu rộng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới; trong đó, thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bến Tre từ 148 đơn vị hành chính, còn 48 đơn vị gồm 43 xã và 5 phường; hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long thành tỉnh mới Vĩnh Long, trung tâm hành chính đặt tại Vĩnh Long.
Kỳ họp miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với các ông: Trịnh Minh Châu, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (nghỉ chính sách); Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng và Nguyễn Văn Điền, Phó Giám đốc Sở Tài chính do các chức danh này không thuộc cơ cấu ủy viên của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Lâm Đồng ban hành Nghị quyết về đề án sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã
Ngày 26/4, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành 2 nghị quyết về Đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng.
Tại Nghị quyết số 38- NQ/TU ngày 25/4/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI quyết nghị thống nhất chủ trương đối với Đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông thành một tỉnh, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số (cả thường trú và tạm trú) của 3 tỉnh hiện nay.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng (mới) sau khi hợp nhất có diện tích tự nhiên là 24.233,07 km2; quy mô dân số là 3.872.999 người. Dự kiến có khoảng 124 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.

Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh mới đặt tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng hiện nay). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Đảng ủy Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh rà soát, hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tại Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 25/4/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI quyết nghị thống nhất thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng.
Sau sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng có 51 đơn vị hành chính cấp xã gồm 9 phường và 42 xã.Theo Đề án, 9 phường mới gồm: Xuân Hương-Đà Lạt, Cam Ly-Đà Lạt, Lâm Viên-Đà Lạt, Xuân Trường-Đà Lạt, Lang Biang-Đà Lạt, Phường 1 Bảo Lộc, Phường 2 Bảo Lộc, Phường 3 Bảo Lộc và Phường B’Lao.
Ngoài ra, 40 đơn vị hành chính cấp xã mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 2-4 đơn vị hành chính cấp xã. Đơn vị cấp xã có diện tích nhỏ nhất là xã Cát Tiên rộng 78 km2, dân số 19.735 người, sáp nhập từ thị trấn Cát Tiên và 2 xã Nam Ninh, Quảng Ngãi của huyện Đạ Huoai hiện nay.
Xã có diện tích lớn nhất là Lạc Dương có diện tích 828 km2, sáp nhập trên cơ sở sắp xếp 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais của huyện Lạc Dương hiện nay; có dân số 14.912 người (trong đó có 12.166 người là đồng bào dân tộc thiểu số).
Tỉnh Lâm Đồng có 2 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sáp nhập là xã Ninh Gia trên cơ sở giữ nguyên diện tích tự nhiên 143,83 km2, dân số 16.311 người thuộc huyện Đức Trọng hiện nay. Đổi tên xã Bà Gia thuộc huyện Đạ Huoai hiện nay thành xã Đạ Huoai 3 trên cơ sở giữ nguyên diện tích tự nhiên 131,51 km2, dân số 6.571 người…
Sau sắp xếp, Kon Tum còn 40 đơn vị hành chính cấp xã
Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết về Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum; phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum sau sắp xếp là sẽ giảm từ 102 đơn vị xuống còn 40 đơn vị (trong đó có 3 phường). Cụ thể, thành phố Kon Tum từ 21 đơn vị thành 6 đơn vị gồm: phường Kon Tum, phường Đăk Cấm, phường Đăk Bla.
Huyện Đăk Hà sắp xếp từ 11 đơn vị xuống còn 5 đơn vị gồm các xã: Đăk Pxi, Đăk Mar, Đăk Ui, Ngọk Réo và Đăk Hà. Huyện Đăk Tô sắp xếp từ 9 đơn vị thành 3 đơn vị gồm 3 xã: Đăk Tô, Ngọk Tụ và Kon Đào. Huyện Tu Mơ Rông sắp xếp từ 11 đơn vị thành 4 đơn vị gồm các xã: Đăk Sao, Đăk Tờ Kan, Tu Mơ Rông và Măng Ri.

Huyện Ngọc Hồi từ 8 đơn vị thành 3 gồm các xã gồm: Bờ Y, Sa Loong và Dục Nông. Huyện Đăk Glei từ 12 đơn vị thành 6 đơn vị gồm các xã: Xốp, Ngọc Linh, Đăk BLô, Đăk Pék, Đăk Môn và Đăk Long.
Huyện Sa Thầy từ 11 đơn vị thành 5 đơn vị gồm: Sa Thầy, Sa Bình, Ia Ly, Rờ Kơi và Mô Rai. Huyện Ia H’Drai sắp xếp 3 đơn vị thành 2 đơn vị gồm: xã Ia Tơi và Ia Đal. Huyện Kon Rẫy sắp xếp 7 đơn vị thành 3 đơn vị gồm các xã: Đăk Kôi, Kon Braih và Đăk Rve. Huyện Kon Plông từ 9 đơn vị sắp xếp thành 3 đơn vị gồm các xã: Măng Đen, Măng Bút và Kon Plông.
Sóc Trăng sớm hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, đến nay, tỉnh đã hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, tỉnh sắp xếp từ 108 xã, phường, thị trấn xuống còn 43 đơn vị hành chính cấp, xã, phường (mới) bao gồm 8 phường và 35 xã (trong đó có 4 xã giữ nguyên không thực hiện sắp xếp do các yếu tố đặc thù lịch sử và biệt lập).
Cụ thể, Sóc Trăng giữ nguyên hiện trạng xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách), xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú), xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) và xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu).
Như vậy, sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã mới giảm 65 đơn vị so với trước khi sắp xếp (108 đơn vị). Ngoài ra, Tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi Bộ Nội vụ cũng đề ra các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp, hợp nhất…
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho rằng, với việc hoàn thành xong Đề án và gửi Bộ Nội vụ thẩm định từ ngày 25/4, Sóc Trăng đã thực hiện sớm so với kế hoạch nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình đầy đủ, chú trọng tính kết nối và đồng bộ, được lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân và các tầng lớp nhân dân đồng tình thống nhất cao…
Thành lập Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam
Sáng 26/4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã công bố quyết định thành lập Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam, trên cơ sở sáp nhập Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam vào Báo Quảng Nam.
Tại lễ công bố, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành 5 quyết định bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam.
Theo đó ông Mai Văn Tư (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam) giữ chức vụ Tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam kể từ ngày 1/5; bổ nhiệm 4 Phó Tổng biên tập gồm: ông Nguyễn Hữu Đổng, Trương Văn Nam, Trần Đình Ánh và bà Dương Nữ Hoàng Anh.
Phát biểu tại lễ công bố quyết định, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, việc sáp nhập Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam vào Báo Quảng Nam là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được sự đồng thuận cao của Tỉnh ủy; đặc biệt là của đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của 2 đơn vị.
“Việc sáp nhập sẽ tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành, giảm chồng chéo trong tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, giúp dễ dàng quản lý hơn; thống nhất chỉ đạo, định hướng tuyên truyền từ cơ quan quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả thông tin. Việc sáp nhập lần này còn góp phần tiết kiệm chi phí và nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp về thông tin-truyền thông; kết hợp các thế mạnh của báo viết và phát thanh, truyền hình để tạo ra sản phẩm truyền thông đa phương tiện, hiện đại, hấp dẫn. Theo đó, mở rộng kênh tiếp cận độc giả, khán giả trên nhiều nền tảng như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, thích ứng với xu thế chuyển đổi số hiện nay," Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu, trước mắt, các đơn vị tập trung làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam hợp lý; chủ động phối hợp với Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng thống nhất về số lượng, tên gọi các phòng để thuận lợi trong việc bố trí, sắp xếp khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo chủ trương của Bộ Chính trị./.