Các thị trường hàng hóa châu Á biến động trái chiều
Phần lớn các chỉ số chứng khoán châu Á đã giảm điểm trong phiên 29/5, trong khi đó giá dầu châu Á tăng trước kỳ vọng rằng các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng vào cuối tuần này.
Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch 29/5, trước kỳ vọng rằng các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào cuối tuần này, và mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ bắt đầu tăng khi nước Mỹ bước vào mùa cao điểm tiêu thụ năng lượng Hè.
Trong khi đó, phần lớn các chỉ số chứng khoán châu Á đã giảm điểm trong phiên 29/5, do lo ngại kéo dài về triển vọng lãi suất của Mỹ và những diễn biến kém tích cực xung quanh thị trường trái phiếu Mỹ.
Giá dầu tăng do các nhà sản xuất lớn dự kiến tiếp tục cắt giảm sản lượng
Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch 29/5, trước kỳ vọng rằng các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào cuối tuần này, và mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ bắt đầu tăng khi nước Mỹ bước vào mùa cao điểm tiêu thụ năng lượng Hè.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 7/2024 tăng 18 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 84,40 USD/thùng vào lúc 13 giờ 30 phút giờ Việt Nam.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7/2024 cũng cộng thêm 28 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 80,11 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng hơn 1% trong phiên trước đó.
Các thương nhân và nhà phân tích kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện tương đương khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày.
Người sáng lập công ty nghiên cứu SS WealthStreet có trụ sở tại Delhi là Sugarandha Sachdeva khẳng định kỳ vọng của thị trường rằng các thành viên OPEC+ sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng đã mang lại sự lạc quan cho thị trường. Động thái này được coi là một nỗ lực phối hợp nhằm ổn định giá cả và tái cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Bà Sugarandha Sachdeva nói thêm rằng: “Hơn nữa, nhu cầu di chuyển vào mùa Hè ở Mỹ đã thúc đẩy tiêu dùng, là động lực hỗ trợ tích cực cho giá dầu thô.”
Kỳ nghỉ hôm 27/5 tại Mỹ là điểm khởi đầu của mùa di chuyển cao điểm tại Mỹ. Nền kinh tế lớn số một thế giới là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất toàn cầu, và việc OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng sẽ tiếp tục đẩy giá lên cao.
Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Daniel Hynes tại Ngân hàng ANZ cho biết: “Dữ liệu ban đầu cho thấy số lượng chuyến đi trong dịp nghỉ Lễ Tưởng niệm vừa qua ở Mỹ là tương đối cao... Du lịch bằng đường hàng không cũng tăng trưởng mạnh.”
Trong khi đó, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang ở Dải Gaza, tạo ra một số hỗ trợ về giá trong bối cảnh lo ngại xung đột sẽ mở rộng sang Trung Đông, nguồn cung dầu quan trọng của thế giới. Các nhà đầu tư cũng theo dõi dữ liệu tồn kho dầu thô của Mỹ từ Viện Dầu mỏ Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối ngày.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến giảm khoảng 1,9 triệu thùng trong tuần trước.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để tìm kiếm manh mối về định hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tác động đối với giá dầu.
Chứng khoán giảm nhẹ trước những quan ngại về lãi suất
Phần lớn các chỉ số chứng khoán châu Á đã giảm điểm trong phiên 29/5, do lo ngại kéo dài về triển vọng lãi suất của Mỹ và những diễn biến kém tích cực xung quanh thị trường trái phiếu Mỹ.
Trong khi đó, với dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ sắp được công bố, giới đầu tư phần lớn mang tâm lý chờ đợi, thậm chí một số người có xu hướng bán ra để chốt lời sau đợt tăng giá mạnh gần đây.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Sàn Tokyo đã giảm 0,8%, xuống còn 38.556,87 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Sàn Thượng Hải lại tăng 0,1% lên 3.111,02 điểm.
Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) biến động mạnh hơn với mức giảm 1,83%, xuống còn 18.477,01 điểm.
Các sàn chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Taipei, Manila, Bangkok, Wellington và Jakarta cũng chìm trong sắc đỏ.
Những số liệu tích cực hơn dự báo về niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã làm giảm hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang nước này sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Thậm chí, quan chức Fed Neel Kashkari cũng cảnh báo rằng những người ra quyết định sẽ không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Người đứng đầu chi nhánh Fed tại thành phố Minneapolis Kashkari cho biết, trong khi chính sách tiền tệ được thắt chặt, khả năng lãi suất tiếp tục được tăng cao là thấp, nhưng không phải là không thể.
Bình luận của ông Kashkari được đưa ra sau khi một số quan chức Fed khác cho biết họ thận trọng về việc cắt giảm lãi suất quá sớm và muốn xem thêm những dữ liệu cho thấy lạm phát đang quay về mức 2%.
Các nhà đầu tư hiện cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất chỉ một lần vào cuối năm - so với dự đoán sáu lần được đưa ra hồi tháng 1/2024.
Tuần này, giới đầu tư tập trung vào việc công bố Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Fed sẽ đưa ra quyết định chính sách tiếp theo vào tháng tới.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,71% xuống 1.272,64 điểm, còn chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,58% xuống còn 244,15 điểm.
Giá vàng giảm do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao
Phiên 29/5 chứng kiến giá vàng châu Á giảm nhẹ giữa bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao. Ngoài ra, thị trường cũng chịu biến động từ những dữ liệu quan trọng chuẩn bị được công bố về tình hình lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,67% xuống còn 2.344,19 USD/ounce vào lúc 16 giờ 45 phút giờ Việt Nam. Trước đó trong phiên 20/5, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.449,89 USD/ounce.
Đồng USD mạnh lên là một trong những nguyên nhân khiến vàng giảm giá, bởi điều này sẽ khiến kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất của nhiều tuần.
Chiến lược gia hàng hóa của ANZ Soni Kumari cho biết: “Các nhà đầu tư sẽ cố gắng chốt lời vì vàng đang được giao dịch ở mức gần 2.350 USD/ounce.”
Dữ liệu về Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào ngày 31/5.
Chuyên gia Tim Waterer, nhà phân tích thị trường tại KCM Trade, cho biết: “Một chỉ số PCE tích cực sẽ giúp vàng dễ dàng lấy lại mức 2.400 USD/ounce, do điều này có thể tác động đến thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed.”
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch hiện đang đánh giá có khoảng 57% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11 tới.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 29/5, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 88,30-90,32 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.