Các tập đoàn viễn thông Nhật Bản chạy đua mở rộng kinh doanh lĩnh vực không gian
Các "gã khổng lồ" viễn thông tại Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh vũ trụ khi ngày càng nhiều công ty đang có động thái phát triển dịch vụ viễn thông vũ trụ để tăng doanh thu.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, NTT Corp., KDDI Corp. và các "gã khổng lồ" viễn thông khác tại Nhật Bản mới đây đã tiết lộ kế hoạch mở rộng kinh doanh vũ trụ khi ngày càng nhiều công ty đang có động thái phát triển dịch vụ viễn thông vũ trụ để tăng doanh thu.
Ngày 3/6, NTT công bố kế hoạch xây dựng một mạng lưới thông tin liên lạc kết nối không gian và mặt đất thông qua sự kết hợp giữa vệ tinh và phương tiện không người lái, nhằm tạo ra doanh thu 100 tỷ yen (khoảng 645 triệu USD) từ hoạt động kinh doanh không gian trong năm tài chính 2033.
NTT dự định triển khai một dịch vụ mới sử dụng các trạm gốc di động bay trên tầng bình lưu của khí quyển (HAPS) vào năm 2026.
Các trạm này sẽ nằm trên vật thể bay không người lái, ở độ cao khoảng 20km trên không và gửi tín hiệu vô tuyến, cho phép liên lạc trên các hòn đảo xa xôi hoặc ngoài biển.
NTT Docomo Inc. và các công ty khác thuộc tập đoàn NTT có kế hoạch đầu tư tới 15,7 tỷ yen (100 triệu USD) vào một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển thiết bị bay không người lái, dưới sự bảo trợ của Airbus SE.
NTT cũng có ý định tham gia Project Kuiper của Amazon.com Inc., một mạng lưới các vệ tinh quỹ đạo Trái Đất ở tầng thấp và phóng hai vệ tinh cho Nhật Bản vào cuối năm 2024 với hy vọng sẽ bắt đầu dịch vụ sử dụng các vệ tinh này sớm nhất là vào năm 2025.
Chủ tịch NTT Akira Shimada nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tạo ra các dịch vụ mới bằng cách tối đa hóa tiềm năng của không gian."
Tuần trước, KDDI công bố kế hoạch xây dựng một môi trường trong đó công nghệ 5G tốc độ cao, dung lượng cao có thể được sử dụng trên Mặt Trăng vào năm 2030.
Hợp tác với Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và các tổ chức khác, KDDI sẽ phát triển công nghệ thông tin liên lạc sử dụng tia laser và công nghệ khác để xây dựng các trạm cơ sở.
SoftBank Corp cũng đang tìm cách đưa HAPS vào sử dụng thực tế trong hoặc sau năm tài chính 2027.
Rakuten Mobile, Inc., một công ty của Rakuten Group, Inc., cho biết họ sẽ triển khai dịch vụ truyền vệ tinh đến điện thoại thông minh sớm nhất là vào năm 2026.
Rakuten Mobile sẽ sử dụng các vệ tinh từ AST SpaceMobile, Inc., một công ty khởi nghiệp ở Mỹ, trong đó Rakuten Group đã và đang đầu tư.
Các tập đoàn viễn thông đang tập trung vào hoạt động kinh doanh vũ trụ, một phần do Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty tư nhân tham gia vào ngành vũ trụ.
Chính phủ đặt mục tiêu mở rộng thị trường trong nước liên quan đến không gian lên mức 8.000 tỷ yen vào những năm 2030, gấp đôi quy mô thị trường hiện tại./.