Các phe phái Nam Sudan nối lại đàm phán hòa bình tại Kenya

Các cuộc đàm phán hòa giải tại Kenya có sự tham gia của các quan chức từ Cơ quan Liên Chính phủ về Phát triển (IGAD) ở Đông Phi, cũng như các đặc phái viên từ Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc.

Cảnh sát vũ trang làm nhiệm vụ tại khu vực kiểm soát bởi quân đội Sudan ở Omdurman, bang Khartoum ngày 26/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 4/12, Chính phủ đoàn kết dân tộc chuyển tiếp của Nam Sudan và các nhóm đối lập đã nối lại đàm phán hòa bình ở thủ đô Nairobi của Kenya.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu với báo giới tại Nairobi, người đứng đầu về hòa giải trong tiến trình hòa bình ở Nam Sudan, Lazarus Sumbeiywo cho biết các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến sẽ kết thúc trong 2 tuần tới.

Các cuộc thương thảo này được tái khởi động sau khi phái đoàn Chính phủ Nam Sudan có các cuộc tham vấn tại thủ đô Juba.

Ông Sumbeiywo lưu ý rằng các bên cũng đã xem xét các điều khoản của thỏa thuận hòa bình được hồi sinh năm 2018, cũng như các điều khoản mới từ Sáng kiến Tumaini, trong nỗ lực cải thiện việc xây dựng hòa bình.

Ông cho biết một trong những kết quả quan trọng của các cuộc đàm phán là dự thảo xây dựng lòng tin và sự tin cậy, đã tạo động lực thuận lợi cho các cuộc thương thảo.

Các cuộc đàm phán hòa giải tại Kenya có sự tham gia của các quan chức từ Cơ quan Liên Chính phủ về Phát triển (IGAD) ở Đông Phi, cũng như các đặc phái viên từ Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc.

Quyết định nối lại các cuộc đàm phán diễn ra sau cuộc họp ngày 6/11 giữa Tổng thống Kenya William Ruto và người đồng cấp Nam Sudan Salva Kiir tại thủ đô Juba, trong đó hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo nhóm hòa giải triệu tập lại và giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng trong vòng hai tuần, trước khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết.

Xung đột kéo dài 5 năm tại Nam Sudan đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản. Năm 2018, các lực lượng của Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đã ký kết một thỏa thuận hòa bình nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết.

Tuy nhiên, bất đồng giữa hai bên liên tục làm trì hoãn quá trình chuyển tiếp để mở đường cho các cuộc bầu cử./.