Các nước trong khối Thịnh vượng chung tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II
Từ sáng sớm, rất đông người dân Australia đã đến Tòa nhà Quốc hội và Tòa nhà Chính phủ ở Canberra, để đặt vòng hoa và để lại lời nhắn bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Chiều 9/9 (theo giờ địa phương), 96 phát đại bác đã được bắn lên bầu trời phía trước Tòa nhà Quốc hội Australia ở thủ đô Canberra để bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Anh Elizabeth II, người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung, vừa mới qua đời.
Ngay từ rất sớm hàng trăm người đã tập trung tại khu vực tiền sảnh và trong khuôn viên Tòa nhà Quốc hội, chờ đợi phút giây các quân nhân Australia trong bộ quân phục nghi lễ, điều khiển 6 khẩu đại bác, bắn 96 phát đạn, mỗi phát tượng trưng cho một năm trong cuộc đời của Nữ hoàng.
Trước đó, từ sáng sớm, rất đông người dân Australia đã đến Tòa nhà Quốc hội và Tòa nhà Chính phủ ở khu vực Yarralumla của Canberra, mong muốn được để lại lời nhắn trong Sổ chia buồn của Chính phủ.
Họ cũng mang những bông hoa tưởng niệm, đặt trên tiền sảnh Tòa nhà Quốc hội và bên ngoài trụ sở Ủy ban cấp cao Anh.
Các lá cờ của Australia đều được treo rủ để bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng và nghi thức này sẽ kéo dài cho đến sau lễ tang.
[Vương quốc Anh tuyên bố bắt đầu quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II]
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã tuyên bố hoãn kỳ họp Quốc hội dự kiến diễn ra vào tuần sau và sẽ không nhóm họp trở lại trong vòng ít nhất 2 tuần.
Thủ tướng cũng tuyên bố Australia sẽ có một Ngày Quốc tang và một ngày Lễ Tưởng niệm.
Ngoài ra, các hoạt động tưởng niệm khác nhau sẽ được tổ chức liên tục trong vòng 10 ngày, cho đến khi diễn ra lễ tang của Nữ hoàng.
Toàn quyền David Hurley cho biết kế hoạch quốc tang sẽ được công bố trong những ngày tới. Dự kiến, ngày 10/9, Thủ tướng Albanese, Toàn quyền Hurley và nhà lãnh đạo đảng Tự do Peter Dutton sẽ thực hiện nghi lễ đặt vòng hoa tại Tòa nhà Quốc hội.
Canada cũng đang chuẩn bị cho lễ tang chính thức Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Thủ tướng Justin Trudeau và Toàn quyền Mary Simon dự kiến tham dự lễ tang Nữ hoàng Anh ở London.
Chính phủ liên bang hiện đang lên kế hoạch tổ chức lễ tang, như treo cờ rủ tại các tòa nhà liên bang và các đại sứ quán; mở sổ tang điện tử từ Bộ Di sản Canada và sổ tang giấy tại Phủ Toàn quyền và Đồi quốc hội để người dân tới viết; tổ chức buổi lễ tưởng niệm tại nhà thờ Christ Church Cathedral Ottawa, với cuộc diễu binh qua Đài tưởng niệm Chiến tranh Quốc gia.
Hạ viện và các cơ quan lập pháp cấp tỉnh sẽ ấn định thời gian để tang chính thức, khi đó, các tòa nhà công cộng sẽ đóng cửa.
Hiện Chính phủ Canada chưa đưa ra tuyên bố về thời gian chính thức để tang Nữ hoàng Anh.
Trong thời gian trị vị Khối thịnh vương chung, tại Canada, Nữ hoàng Elizabeth II đã chứng kiến lễ khai trương đường biển St. Lawrence Seaway - một trong những công trình kỹ thuật dân dụng lớn nhất trong lịch sử hiện đại - năm 1959, việc mở rộng của các chương trình xã hội của Canada trong những năm 1960, các cuộc trưng cầu dân ý ở Québec vào năm 1980 và năm 1995, các hiệp định thương mại tự do giữa Canada và Mỹ...
Thời gian trị vị của Nữ hoàng Elizabeth II trải qua các nhiệm kỳ của 12 Thủ tướng Canada, là thời kỳ có sự thay đổi lớn về vị thế chính trị của Canada và mối quan hệ với chế độ quân chủ.
Bà đã ký Đạo luật Hiến pháp năm 1982 đưa ra Hiến chương về Quyền và Tự do và trao cho Canada quyền thay đổi các văn bản mang tính nền tảng mà không cần sự tham gia của Quốc hội Anh.
Sinh thời, Nữ hoàng Elizabeth II đã có 22 chuyến thăm chính thức tới Canada./.