Các nước châu Âu đẩy mạnh chuyển đổi quốc phòng trong năm 2022
Những lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã khiến một số quốc gia châu Âu gia hạn các cam kết chi tiêu quốc phòng và tập trung vào cải thiện năng lực quân sự.
Ngày 15/2, Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế IISS công bố báo cáo thường niên “Cán cân Quân sự 2023,” đánh giá về khả năng quân sự và xu hướng mua sắm quốc phòng của 173 quốc gia trên toàn thế giới trong năm 2022.
“Cán cân Quân sự 2023” cho rằng xu hướng hiện đại hóa các lực lượng vũ trang trên thế giới thường được điều chỉnh dựa trên các đánh giá về ưu tiên an ninh quốc gia trong chính sách quốc phòng, nhưng diễn ra chậm chạp theo các quy trình chính thức.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine trong năm 2022 đã làm thay đổi quỹ đạo và tốc độ của quá trình chuyển đổi quốc phòng, đặc biệt là ở các quốc gia châu Âu.
Theo Tiến sỹ John Chipman, Giám đốc Viện IISS, xung đột đã định hình lại môi trường an ninh ở châu Âu. Trọng tâm địa chính trị của châu Âu đã dịch chuyển về phía Đông và phía Bắc.
Những lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng đã khiến một số quốc gia châu Âu gia hạn các cam kết chi tiêu quốc phòng và tập trung vào việc cải thiện năng lực quân sự.
Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine cũng đã làm tiêu hao một lượng lớn vũ khí, trong đó, nhiều nước châu Âu đã viện trợ hầu hết các loại vũ khí và đạn được trong kho dự trữ.
[Tổng Thư ký NATO hối thúc các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng]
Điều này đã thúc đẩy một quá trình mua sắm quốc phòng mới, các công ty quốc phòng phương Tây đang đối mặt với thách thức và cơ hội thay thế các vũ khí được chuyển giao cho Ukraine đồng thời đáp ứng các yêu cầu quân sự đang thay đổi.
Nhìn chung, xung đột Nga-Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng của kho vũ khí và năng lực sản xuất quốc phòng.
Ở các quốc gia phương Tây với kho vũ khí giảm, ít nhà máy hơn và dây chuyền sản xuất đã đóng cửa, khả năng phục hồi của ngành công nghiệp quốc phòng đang bị thách thức nghiêm trọng.
Theo các dữ liệu của Viện IISS, trong năm 2022, các nước ở cả khu vực châu Âu-Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương đều phải đối mặt với các động lực chiến lược cạnh tranh.
Tuy nhiên, những thách thức kinh tế trong năm 2022 đã đè nặng lên các quyết định chi tiêu công. Những thách thức này bao gồm tiền tệ yếu, tăng trưởng kinh tế chậm chạp, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao.
Trong khi chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng theo giá trị danh nghĩa vào năm 2021 và 2022, nhưng lạm phát cao hơn đã khiến chi tiêu thực tế giảm.
Theo ước tính của Viện IISS, năm 2022, lạm phát đã làm “thất thoát” chi tiêu quốc phòng toàn cầu khoảng 312 tỷ USD, từ mức 222 tỷ USD của năm 2021./.