Các nước BRICS kêu gọi đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế

Tuyên bố Bắc Kinh kêu gọi tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực đạt được đồng thuận về chính sách kinh tế và ngăn ngừa những rủi ro mang tính hệ thống.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, ngày 22/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Moskva đưa tin Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ngày 23/6 đã thông qua Tuyên bố Bắc Kinh, trong đó kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa những rủi ro mang tính hệ thống.

Về vấn đề kinh tế và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi các nước phát triển hàng đầu thế giới phát triển nền kinh tế của mình một cách có trách nhiệm và phi chính trị để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho các nước đang phát triển.

Theo họ, các định chế tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế cần được khuyến khích đóng vai trò mang tính xây dựng trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa rủi ro mang tính hệ thống liên quan đến sự tan rã và phân mảng kinh tế của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế.

[Nga khẳng định ưu tiên tăng cường hợp tác với các nước BRICS]

Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo BRICS lưu ý rằng đại dịch COVID-19 là một cú sốc lớn đối với nhân loại.

Tuyên bố nhận định: “Sự phục hồi không cân bằng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và triển vọng kinh tế xấu đi.”

Các nhà lãnh đạo BRICS bày tỏ lo ngại rằng sự phát triển toàn cầu đang bị gián đoạn nghiêm trọng, bao gồm cả tình trạng mất cân đối trong phát triển giữa Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu ngày càng gia tăng, sự khác biệt trong quỹ đạo phục hồi, đào sâu khoảng cách phát triển và khoảng cách công nghệ đã có từ trước.

Tuyên bố cho rằng tình trạng này đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững khi xu hướng suy thoái kinh tế và sức khỏe, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, được dự báo sẽ tiếp tục vượt ra ngoài đại dịch.

Các nhà lãnh đạo BRICS hoan nghênh các hành động nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Các nhà lãnh đạo BRICS nhất trí hướng tới mục tiêu cải cách WTO để xây dựng một nền kinh tế thế giới mở nhằm hỗ trợ thương mại và phát triển, duy trì vai trò trung tâm của WTO trong tiến trình thiết lập các quy tắc và quản trị thương mại toàn cầu, hỗ trợ phát triển bao trùm, thúc đẩy các quyền và lợi ích của tất cả các thành viên, kể cả các nước đang phát triển và kém phát triển nhất.

Các nhà lãnh đạo BRICS tái khẳng định sự ủng hộ dành cho một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử và dựa trên các quy tắc, như WTO đã thể hiện. Họ kêu gọi tất cả các thành viên WTO tránh các biện pháp đơn phương và bảo hộ trái với tinh thần và quy tắc của tổ chức.

Một phần khác trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo BRICS liên quan đến hoạt động của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Văn bản nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại cam kết duy trì mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu mạnh mẽ và hiệu quả với vai trò trung tâm của IMF, dựa trên hệ thống hạn ngạch và có đủ nguồn lực tài chính."

Các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi tiếp tục giảm sự phụ thuộc của IMF vào các nguồn lực tạm thời và giải quyết tình trạng thiếu đại diện của các nước đang phát triển và thị trường mới nổi trong tổ chức này.

Lãnh đạo các nước BRICS hoan nghênh tiến bộ trong việc tự nguyện phân phối lại các quyền rút vốn đặc biệt có lợi cho các quốc gia có nhu cầu nhất, cũng như quyết định của IMF thành lập Quỹ ủy thác để đảm bảo sự ổn định và bền vững.

Các nhà lãnh đạo BRICS tái khẳng định sự ủng hộ dành cho vai trò hàng đầu của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong quản trị kinh tế toàn cầu và nhấn mạnh rằng G20 phải duy trì tính toàn vẹn của tổ chức và ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay.

Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường quan hệ đối tác, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô để đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng và xây dựng một nền kinh tế phục hồi sau đại dịch một cách mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm.

Các thành viên BRICS nhận thấy tầm quan trọng của chính sách tăng cường cơ chế dự trữ dự phòng, góp phần củng cố mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và bổ sung cho các cơ chế tài chính tiền tệ quốc tế hiện có.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng ủng hộ ý tưởng sửa đổi thỏa thuận về việc tạo ra một quỹ dự trữ ngoại hối có điều kiện, đồng thời hoan nghênh tiến bộ liên quan đến những thay đổi đối với các văn bản liên quan khác của IMF.

Về vấn đề năng lượng, các lãnh đạo BRICS nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập với các nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại.

Các bên thừa nhận vai trò cơ bản của an ninh năng lượng trong tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận các nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Lãnh đạo các nước BRICS ủng hộ hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kiểm soát hải quan, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát hải quan và sẽ tiếp tục phối hợp nhằm tăng cường hơn nữa lĩnh vực này.

Các quốc gia thành viên BRICS sẽ tiếp tục thảo luận về khả năng chấp nhận các quốc gia mới gia nhập hiệp hội, bày tỏ ủng hộ việc tiếp tục thảo luận giữa các nước thành viên về quá trình mở rộng BRICS, nhấn mạnh sự cần thiết phải làm rõ các hướng dẫn, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục cho quá trình này thông qua kênh trao đổi của các nước BRICS trên cơ sở tham vấn và đồng thuận toàn diện.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh nỗ lực của BRICS nhằm tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển và thị trường mới nổi khác, đồng thời hỗ trợ phát triển hơn nữa hợp tác trong các định dạng BRICS Outreach và BRICS Plus phù hợp với Quy tắc thủ tục cập nhật được thông qua vào năm 2021.

Các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định sẽ hỗ trợ lục địa châu Phi trong nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Họ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Chương trình nghị sự năm 2063 của Liên minh châu Phi và nỗ lực của châu Phi nhằm đạt được mục tiêu hội nhập thông qua phát triển Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi và các cơ chế khác.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề bao gồm công nghiệp hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh lương thực, sức khỏe và biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của châu Phi./.

Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)