Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương lên án quyết định xả thải Fukushima

Ngoại trưởng Vanuatu Matai Seremaiah cho biết cần có những hành động mạnh mẽ đối với quyết định xả thải của Nhật Bản, kêu gọi những người gây ô nhiễm "nghiêm túc xem xét các lựa chọn khác."

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tân hoa xã đưa tin một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đã lên án quyết định của Nhật Bản về việc xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương dự kiến trong ngày 24/8.

Theo truyền thông, Ngoại trưởng Vanuatu Matai Seremaiah cho biết cần có những hành động mạnh mẽ đối với quyết định của Nhật Bản, kêu gọi những người gây ô nhiễm "nghiêm túc xem xét lựa chọn khác."

Lãnh đạo đảng cầm quyền Vanuatu, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Fiji và New Caledonia, thành viên của Nhóm mũi nhọn Melanesian (MSG), đang họp tại Port Vila, thủ đô của Vanuatu, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo MSG lần thứ 22.

Ngoại trưởng Seremaiah cho biết họ đang thúc đẩy MSG ra tuyên bố khuyến cáo Nhật Bản không xả bất cứ thứ gì ra Thái Bình Dương, cho đến khi hoàn toàn chắc chắn hành động này không gây nguy hiểm.

[Nhật Bản thông báo thời gian xả thải từ nhà máy Fukushima]

Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng.

TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.

Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý ra biển.

Nhật Bản cho biết nước thải nhiễm phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.

Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.

Trong báo cáo an toàn của IAEA hồi tháng Bảy, cơ quan này khẳng định việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ sẽ có tác động không đáng kể đối với người dân và môi trường./.

(Vietnam+)