Các nhà báo Việt Nam và Cuba trao đổi kinh nghiệm nghề trong kỷ nguyên số
Hội thảo “Báo chí Cách mạng trong kỷ nguyên số: Thực tiễn và kinh nghiệm Cuba-Việt Nam” diễn ra tại La Habana trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, chuyển đổi số báo chí của hai nước.
Các nhà báo Việt Nam và Cuba đã cùng trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn nghề báo trong kỷ nguyên số tại một cuộc hội thảo quốc tế chuyên đề do Liên đoàn Báo chí Cuba và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức tại Thủ đô La Habana (Cuba).
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Báo chí Cách mạng trong kỷ nguyên số: Thực tiễn và kinh nghiệm Cuba-Việt Nam” nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của những người làm báo Cuba và Việt Nam trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, quá trình chuyển đổi số báo chí của hai nước.
Các nhà báo của Hội Nhà báo Việt Nam đã trình bày những tham luận về: Báo chí đối ngoại và truyền thông quốc tế trong kỷ nguyên số thực hiện chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển nội dung và quản trị tòa soạn; Quy trình và kỹ năng báo chí xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin xấu độc nhằm bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng và chuyển đổi số báo chí, vấn đề tự chủ tài chính, mô hình kinh doanh, tạo nguồn thu quảng cáo.
Trong khi đó, các đồng nghiệp của Liên đoàn Báo chí Cuba (UPEC) đã đề cập đến: Xã hội mạng đối mặt với cuộc chiến truyền thông; Truyền thông xã hội như một nguồn lực chiến lược ở Cuba và Chuyển đổi mô hình báo chí.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trần Trọng Dũng nhấn mạnh các nhà báo, các nhà truyền thông ở Việt Nam và Cuba có chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cùng chung mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng đem lại lợi ích cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc.
Hội thảo là một minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực báo chí truyền thông giữa hai nước, cũng như tình cảm anh em thắm thiết của báo giới Cuba và Việt Nam.
Ông Trần Trọng Dũng đánh giá Cuba và Việt Nam có sự tương đồng rõ rệt trong mục tiêu, tính chất của nền báo chí cách mạng; cùng chung quan điểm: báo chí truyền thông là vũ khí cách mạng, mỗi nhà báo là một chiến sỹ trong mặt trận tư tưởng văn hóa; báo chí có lý tưởng cao cả nhất là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Do đó, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí đều phải cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội, sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân.
Theo ông Trần Trọng Dũng, tính chất mở của môi trường số là nguyên nhân dẫn tới các hoạt động chống phá, xuyên tạc, bóp méo, lan truyền thông tin giả, xấu độc. Để báo chí trở thành vũ khí mạnh và sắc bén trong “cuộc chiến tranh thông tin” trên mạng xã hội và các nền tảng số, hai vấn đề lớn hai quốc gia cần phải đối mặt là an toàn và an ninh thông tin.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định chuyển đổi số báo chí truyền thông là vấn đề sống còn, là điều cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, các đơn vị truyền thông và người làm báo.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề phát triển kinh tế báo chí và vấn đề nguồn lực báo chí truyền thông. Mỗi cơ quan báo chí cần phải nghiên cứu, học hỏi, tìm một hướng đi mới để phát triển nguồn lực và có các hoạt động kinh tế báo chí hiệu quả.
Trước đó, tại buổi làm việc với Chủ tịch UPEC Ricardo Ronquillo, ông Trần Trọng Dũng cho biết Hội Nhà báo Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với phía Cuba trong chuyển đổi số; định hướng dư luận xã hội, đấu tranh chống thông tin sai lệch, tin giả, xuyên tạc…
Tại cuộc gặp với ông Trần Trọng Dũng và đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Trưởng Ban Tư tưởng, Marydé Fernández López, nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong bảo vệ Tổ quốc; đồng thời khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.
Trong thời gian ở Cuba từ ngày 2-7/9, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam đã thăm và làm việc với nhiều cơ quan báo chí sở tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba và dâng hoa trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên mang tên Người ở thủ đô La Habana./.