Các ngân hàng Mỹ đối mặt thách thức dù Fed đã hạ lãi suất
Giới phân tích cảnh báo ngay cả khi lãi suất giảm, các ngân hàng Mỹ vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, bao gồm tăng trưởng tín dụng chậm lại và nguy cơ nợ xấu gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Lãi suất giảm thường là tin tốt cho các ngân hàng, đặc biệt khi cắt giảm lãi suất không phải là dấu hiệu của suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế bất ổn và những lo ngại về lạm phát dai dẳng đang khiến bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng Mỹ trở nên kém sáng.
Lý thuyết là khi lãi suất giảm, dòng tiền chảy khỏi tài khoản vãng lai sang các kênh đầu tư sinh lời cao hơn như chứng chỉ tiền gửi (CD) và quỹ thị trường tiền tệ sẽ chậm lại. Điều này có lợi cho ngân hàng vì họ sẽ phải trả lãi suất thấp hơn cho người gửi tiền.
Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm hồi tháng trước, điều đó đã báo hiệu một bước ngoặt trong việc quản lý nền kinh tế và báo hiệu ý định giảm lãi suất thêm 2 điểm phần trăm nữa, theo dự báo của Fed, qua đó thúc đẩy triển vọng cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, lo ngại về lạm phát dai dẳng có thể khiến Fed không cắt giảm lãi suất mạnh như dự kiến. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập lãi ròng (NII) - chênh lệch giữa thu nhập từ hoạt động cho vay và đầu tư với chi phí trả lãi cho người gửi tiền - của các ngân hàng có thể sẽ không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng.
Ông Chris Marinac, Giám đốc nghiên cứu tại Janney Montgomery Scott, cho biết thị trường đang biến động mạnh do lạm phát có vẻ như đang tăng tốc trở lại, và liệu Fed có tạm dừng chu kỳ nới lỏng hay không là một câu hỏi lớn.
Các nhà phân tích sẽ theo dõi sát báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 của JPMorgan Chase, dự kiến công bố ngày 11/10, để tìm kiếm bất kỳ dự báo nào về NII trong quý IV và tương lai xa hơn.
JPMorgan Chase dự kiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu vào khoảng 4,01 USD, giảm 7,4% so với cùng giai đoạn năm ngoái.
Mặc dù tất cả các ngân hàng đều được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chu kỳ nới lỏng lãi suất của Fed, nhưng thời điểm và quy mô của chu kỳ này vẫn chưa rõ ràng.
Trong giai đoạn đầu của chu kỳ nới lỏng, tài sản của một số ngân hàng có thể mất giá nhanh hơn so với tiền gửi, dẫn đến biên lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng trong những quý tới. Ngược lại, các ngân hàng khác có thể hưởng lợi khi chi phí vốn giảm nhanh hơn lợi suất từ tài sản sinh lời.
Các ngân hàng khu vực, vốn chịu áp lực lớn từ chi phí vốn tăng cao khi lãi suất tăng, được coi là nhóm hưởng lợi lớn hơn từ việc lãi suất giảm, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo rằng ngay cả khi lãi suất giảm, các ngân hàng Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác, bao gồm tăng trưởng tín dụng chậm lại và nguy cơ nợ xấu gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất ổn./.