Các ngân hàng Italy "tiến thoái lưỡng nan" trong vấn đề rời khỏi Nga
Hai ngân hàng Intesa và UniCredit của Italy cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm giảm số lượng người mua tiềm năng, khiến họ ngày càng khó rời khỏi Nga.
Ngày 25/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, thành viên Ủy ban Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Fabio Panetta, nói rằng các ngân hàng Italy phải tạm dừng hoạt động kinh doanh ở Nga vì việc ở lại nước này cũng gây ra “vấn đề về danh tiếng.”
Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở thành phố Stresa, miền Bắc Italy, ông Panetta nói: "Các ngân hàng phải rời khỏi Nga. Có những khó khăn khách quan vì việc rời khỏi Nga rất phức tạp."
Sau ngân hàng Raiffeisen Bank International của Áo, UniCredit, ngân hàng lớn thứ 2 Italy, là ngân hàng châu Âu có mức đầu tư lớn nhất vào Nga, trong khi Intesa Sanpaolo, ngân hàng lớn nhất Italy đang nỗ lực bán lại hoạt động kinh doanh của mình tại Nga
Trong tháng này, chi nhánh tại Nga của ngân hàng UniCredit đã bị ảnh hưởng bởi việc Tòa án Nga ra lệnh tịch thu số tài sản trị giá 463 triệu euro (502,12 triệu USD) liên quan đến một dự án khí đốt bị hủy mà nhóm ngân hàng này đã bảo lãnh.
Cả hai ngân hàng Intesa và UniCredit đều nhiều lần cho biết rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm giảm số lượng người mua tiềm năng, khiến họ ngày càng khó rời đi.
Năm 2023, Intesa đã có được sắc lệnh của Tổng thống Nga, văn bản cần thiết để một ngân hàng nước ngoài xử lý hoạt động kinh doanh ở Nga của họ. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn đang hoàn tất việc rút lui, chờ Ngân hàng Trung ương Nga, chính quyền Italy và ECB "bật đèn xanh."
Giám đốc điều hành UniCredit, Andrea Orcel, luôn nói rằng mục tiêu của họ là giảm tiếp xúc với Nga, đồng thời giảm thiểu thiệt hại của ngân hàng.
Các cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu và cơ quan có thẩm quyền của Mỹ phụ trách thực thi các biện pháp trừng phạt Nga đều đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng phương Tây ở Nga, cũng như tiến độ của họ trong kế hoạch rút lui.
Ngoài việc "bật đèn xanh" cần thiết từ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngân hàng trung ương Nga, mọi giao dịch đều phải được ECB thông qua.
Để tránh nguy cơ bị trừng phạt sau một thỏa thuận mua lại, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cũng phải cung cấp thư xác nhận sau khi được thông báo về danh tính của người mua tiềm năng./.