Các lệnh trừng phạt của phương Tây không làm suy yếu kinh tế Nga
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nêu rõ: "Các biện pháp trừng phạt kinh tế lẽ ra sẽ có tác động về kinh tế, song điều này không đúng đối với trường hợp Nga."
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga liên quan xung đột tại Ukraine không có tác động làm suy yếu kinh tế nước này.
Trả lời nhà báo Stephen Lamby trong một cuộc phỏng vấn về cuộc xung đột ở Ukraine, Ngoại trưởng Baerbock nói: "Các biện pháp trừng phạt kinh tế lẽ ra sẽ có tác động về kinh tế, song điều này không đúng đối với trường hợp Nga."
Nội dung phỏng vấn trên được đưa vào một cuốn sách mới của nhà báo Lamby phát hành ngày 24/8 phân tích phản ứng của Chính phủ Đức đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 10/7 vừa qua.
[Kinh tế Nga lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng trong một năm qua]
Mỹ và phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga liên quan xung đột tại Ukraine.
Tháng 6 vừa qua, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga nhằm ngăn chặn các nước thứ 3 và các doanh nghiệp "lách" các biện pháp trừng phạt hiện nay của EU.
Trong khi sức ép gia tăng, kinh tế Nga không suy sụp do các biện pháp trừng phạt như dự báo trong một số quý.
Ngày 11/8 vừa qua, Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết trong quý 2/2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nga ghi nhận tăng trưởng trong một năm.
Trước đó, GDP của Nga trong quý 1/2023 giảm 1,9%. Quý 2/2022, GDP của Nga giảm 4,5%./.