Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò “đầu đàn” trong đổi mới sáng tạo

Khu vực doanh nghiệp lớn hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế ở cả nhiều góc độ.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra đã đến lúc, các doanh nghiệp lớn phải khẳng định vị trí dẫn dắt trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả cũng như khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước. (Ảnh: MPI/Vietnam+)

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nội dung trên được Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội ngày 12/9.

Thu hút 85% lực lượng lao động

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra đã đến lúc, các doanh nghiệp lớn phải khẳng định vị trí dẫn dắt trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả cũng như khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước và nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển đi đôi với làm tốt an sinh xã hội. Để làm được những điều này, các doanh nghiệp lớn cần tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.

Vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế. Với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đến nay đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Nền kinh tế đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát… Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới. Các doanh nghiệp đã thể hiện vai trò tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn và từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, từ đó kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Và, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn đầu này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế, do đó chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Nền kinh tế đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào. Trong khi, thể chế và pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Điều đó khiến tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm, nhất là các dự án quy mô lớn.

“Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, tuy nhiên chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới, như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen...còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Vì vậy, quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc và tiềm lực để số hóa, xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế. Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ, khi tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng còn thấp. Đến nay, các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nền kinh tế.

Vì vậy, Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng thúc giục đã đến lúc, các doanh nghiệp lớn phải khẳng định vị trí dẫn dắt trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả cũng như khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước và nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển đi đôi với làm tốt an sinh xã hội. Để làm được những điều này, các doanh nghiệp lớn cần tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.

Khẳng định vai trò dẫn dắt

Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn với sự ra đời của các ngành công nghiệp mới và thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn. Điều này kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại và đặt ra các nguy cơ, thách thức đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không chỉ ở các quốc gia phát triển mà kể cả các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế ở cả góc độ tăng trưởng, việc làm, ngân sách, xuất khẩu, thuế hay tạo ra giá trị gia tăng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% doanh nghiệp lớn nhất, các doanh nghiệp lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, một nửa tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với các thương hiệu lớn của quốc gia như Samsung, Huyndai hay SK. Khi nhắc đến thương hiệu Honda, Toyota…, thế giới nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn đến cuối năm 2023 đạt khoảng 70 tỷ USD. Do đó, việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.

Năm 2024 được đánh giá là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong đó nhiều nhiệm vụ cần có sự tham gia chủ đạo, chung tay của các doanh nghiệp lớn. Cụ thể là việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục) và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; Triển khai Quy hoạch điện VIII, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chuyển đổi than sang năng lượng sạch và thu hút đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và phát triển hydrogen tại Việt Nam; Phát triển, phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số và đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...)./.