Các đảo quốc nhỏ hối thúc thông qua Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Hoạt động sản xuất nhựa trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ đầu thế kỷ này lên 460 triệu tấn và có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060 nếu thế giới không hành động.
Ngày 12/10, Hội nghị toàn cầu về nhựa do Economist Impact tổ chức diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), với sự tham dự của đại diện 13 quốc gia đang phát triển ở các đảo nhỏ (SIDS).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Du lịch và Hàng không dân dụng Fiji Viliame Gavoka kêu gọi thế giới khẩn trương đi đến thống nhất về một hiệp ước chống ô nhiễm nhựa.
Dự thảo hiệp ước về giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu được công bố vào tháng trước sẽ tạo cơ sở cho một số vòng đàm phán, bao gồm cuộc tranh luận vào tháng tới tại thành phố Nairobi (Kenya).
Ông Gavoka cho biết quá trình đàm phán sẽ mất thêm 15 tháng nữa sau cuộc thảo luận tại Kenya, song ông sẽ hối thúc các đảo quốc nhỏ đang phát triển như Fiji hành động khẩn trương hơn.
[Việt Nam nỗ lực tham gia đàm phán Thỏa thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa]
Du lịch đóng góp 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Fiji, song “ngành công nghiệp không khói” này lại phụ thuộc vào số lượng du khách vốn yêu thích môi trường tự nhiên hoang sơ.
Ông Gavoka lưu ý môi trường đang ngày càng ô nhiễm do rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển của đất nước, đồng thời nhấn mạnh nhựa là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế của Fiji cũng như sinh kế của người dân.
Ngành nhựa và các nước sản xuất nhựa hàng đầu thế giới muốn chú trọng vào giải pháp tái sử dụng và tái chế nhựa, mặc dù phần lớn nhựa chỉ có thể được tái chế một vài lần.
Trong khi đó, các nhà hoạt động và một số nước khác muốn chính phủ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, trong đó có việc áp thuế và giới hạn khả năng sản xuất các sản phẩm nhựa mới.
Cũng tại hội nghị, ông Peter Thomson, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về vấn đề các đại dương, cho rằng cách giải quyết những bất đồng trên sẽ là “chìa khóa” để giúp các chính phủ đạt được một hiệp ước hiệu quả.
Ông nhấn mạnh các nước cần xem văn kiện này là “tham vọng” của con người để chung sống hòa bình với thiên nhiên.
Hoạt động sản xuất nhựa trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ đầu thế kỷ này lên 460 triệu tấn và có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060 nếu thế giới không hành động. Chỉ 9% lượng nhựa này được tái chế.
Hạt vi nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ các đám mây đến vùng biển sâu nhất, cũng như khắp cơ thể con người.
Hiện, chưa rõ tác hại của nhựa đối với sức khỏe, song giới khoa học đang ngày càng lo ngại về vấn đề này./.